In der Erinnerung an das Massaker von Gac Ma , Truong Sa,gehört zu Spratly- Inselgruppe am 14. März 1988. Sie waren junge unbewaffnete Soldaten, und wurden mit einem Transportschiff auf die Insel gebracht.
http://m.youtube.com/#/watch?v=9fJTPPsv2fM&desktop_uri=%2Fwatch%3Fv%3D9fJTPPsv2fM&gl=DE
".....explain to me the evidence that these people on there reefs who died, are INFACT soldiers/sailors."
Chinese navy crime at Spratly islands- 1988, you may not know!
64 Vietnamese sailors had been killed by Chinese "brother" navy at spratly islands in 1988.
Video:
(fortsetzung folgt)
----------------
Giấy báo tử sau cuộc chiến Gạc Ma
Đây là giấy báo tử của anh Mai Xuân Hải, Liên Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Cuối năm 1988 báo tử về gia đình. Anh là một trong những cựu lính hải quân có mặt tại trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988 khi Trung Quốc xâm lược. Anh bị phía Trung Quốc bắt ba năm, năm tháng, mười lăm ngày thì được trả về qua con đường ngoại giao. Hiện anh vẫn còn giữ cái tấm giấy này làm kỷ niệm. Trong người còn 8 mảnh đạn sau cuộc chiến. Nhà rất nghèo.
----------
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đứng giữa hàng đầu) và thuỷ thủ tàu HQ-505 (ảnh: hoangsa.org).
------------------------------------
Brief von einem von der Regierung vergessennen Soldat:
HỒI ỨC TRƯỜNG SA 14.03.1988- TRƯƠNG VĂN HIỀN
Tôi nhập ngũ ngày 1-3-1986, thuộc tiểu đoàn 6 Hải Đồ, Bộ Tham Mưu Hải Quân.
Sau hai năm nhập ngũ vào ngày 10-3-1988 tôi được lệnh lên đường đi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Chúng tôi khởi hành vào sáng ngày hôm ấy.
Ngày 14-3-1988,tàu chúng tôi HQ604 đã hạ neo tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
7h30 phút sáng 14-3, chúng tôi chuẩn bị đưa hàng lên đảo, quân Trung Quốc bao vây tàu chúng tôi và tấn công liên tiếp bằng hoả lực. Mặc dù đã dự định tình hình xấu xảy ra, nhưng trước đòn tấn công bất ngờ của quân địch chúng tôi đã không tránh được thương vong. Bằng ý chí quyết tâm của toàn đơn vị, và lời hứa sẵn sàng hi sinh vì đất nước trước lúc ra đi, tôi cùng đồng đội đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tôi chứng kiến nhiều đồng đội của mình ngã xuống.
Trước tình hình cấp bách, tôi hiểu rằng tương quan lực lượng như vậy, và thế bị động của chúng tôi, số phận của tôi rồi cũng không khác hơn những đồng đội của mình đã ngã xuống. Một thoáng tôi nghĩ rằng mình không thoát khỏi cái chết. Khi người ta rơi vào bước đường cùng thì có lẽ ai cũng sẽ nghĩ như tôi, tôi nghĩ rằng mình đằng nào cũng chết thì phải chết trong danh dự, cho xứng đáng với lời thề khi ra đi, cho xứng đáng với những hi sinh của đồng đội mình. Nhìn thấy đồng đội lần lượt ngã xuống,tôi không còn nhớ là những ai đang chiến đấu cùng mình nữa, tôi không biết là lúc đó ai còn sống sót. Tôi đã chiến đấu trong điên cuồng và bị thương nặng trong khi đồng đội hi sinh gần hết.
Đòn tấn công bằng hoả lực đã làm chìm tàu cuả chúng tôi. Trong cơn hoảng loạn tôi không còn nhớ ra điều gì. “Tôi đã bị thương!” - tôi chỉ cảm nhận được điều đó. Khi tàu chìm, bằng chút sức lực cuối cùng tôi bơi trong tuyệt vọng và không nghĩ là mình sẽ sống. Tôi vớ được một mảnh gỗ vỡ ra từ con thuyền, cố trèo lên đó và cởi chiếc quần dài cột chặt mình vào mảnh gỗ, sau đó tôi không biết gì cả….(sau này thì biết là tôi đã llênh đênh tên mảnh gỗ 3 ngày 2 đêm trên biển)
Khi tỉnh dậy thì thấy có rất nhiều lính Trung Quốc xung quanh và tôi biết rằng mình vẫn còn sống, đã bị bắt giữ; chúng đưa tôi về làm tù binh tại nhà tù tại Quảng Đông - Trung Quốc. Trong đầu tôi luôn nghĩ rằng không biết đồng đội mình ra sao? Mình may mắn sống sót còn họ thì sao. Tôi đã ước rằng mình được găp lại họ dù chỉ một lần thôi.
Sau đó một thời gian tôi cũng được gặp đồng đội của mình khi bị giam trong phòng với ba người đồng đội.
Ba năm tù đày là quãng thời gian tôi không bao giờ quên được. Một cuộc sống khổ cực. Thời gian đầu chúng tra hỏi đánh đập, mình đã nghĩ rằng thà chết còn hơn. Cũng có đôi lúc tôi nghĩ quẩn, những ý nghĩ rồ dại quyết sống mái rồi chết thì chết; rồi sau đó tôi cũng quen dần với những thủ đoạn tra hỏi, không còn lo sợ như trước nữa. Đôi lúc nghĩ về những đồng đội đã hy sinh tôi lại thấy mình may mắn sống sót thì nên cố mà sống tiếp. Sống để trả thù. Những ngày tháng trong tù, tôi thường mơ thấy mình vẫn đang chiến đấu trên biển, mơ thấy từng đồng đội của mình. Và khi tỉnh lại trong đầu tôi luôn luôn hiện hữu ý nghĩ trả thù.
Trong thời gian tôi làm tù binh tại Trung Quốc, gia đình tôi được tin báo tôi đã hy sinh. Sau một thời gian dài, tôi được trao trả về nước trong đợt trao trả tù binh năm 1991. Tôi trở về quê hương năm 1991 với đầy những thương tật trên người và một cánh tay và mấy cái xương sườn bị gãy; những đau nhức khi thời tiết thay đổi có lẽ do di chứng của những mũi thuốc tiêm không biết là thuốc gì khi tôi ở tù. Thời gian qua đi đã hai mươi năm, tưởng rằng mình đã chết, nay trở, về với tôi và gia đình đã là một may mắn.
Hiện nay tôi đã có gia đình và hai con đang ở tại thôn 3 xã Hoà Thắng, TP. BMT, Đắc Lắc. Cuộc sống của tôi hiện tại rất khó khăn do sức khoẻ bị ảnh hưởng thời tiết. Với công việc làm thuê qua ngày, tôi không có đất đai gì, lúc thì làm được, khi đau ốm lại không biết trông chờ vào ai. Tôi thì lại không được hưởng chế độ gì vì không có giấy tờ, chẳng có gì để chứng minh. Tôi không hề muốn được đền đáp điều gì cả, bởi tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của mỗi người Việt Nam. Hơn nữa cũng nhiều đồng đội của tôi hi sinh, họ có đòi hỏi điều gì. Tôi chỉ có hai mong ước rằng: một là có thể đảm bảo cho cuộc sống của hai con được no đủ, học hành đến nơi đến chốn; hai là tôi được găp lại đồng đội của mình, những người đã cùng tôi chiến đấu, đã sống cùng tôi những tháng ngày không thể nào quên. Hoàn thành được hai tâm nguyện này là tôi đã mãn nguyện lắm rồi./
TRƯƠNG VĂN HIỀN
Đắc Lắc, tháng 6 năm 2009
Bản viết tay Hồi ức Trường Sa của CCB Trương Văn Hiền
Mọi sự sao chép, phát tán xin vui lòng ghi rõ: Nguồn Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa www.hoangsa.org
Số phận người lính sống sót sau Hải chiến Trường Sa 1988
TranHung09 tò mò tìm hiểu xem những người còn sống sau trận chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa 14/3/1988, bây giờ ra sao?!. Anh Hiền sau khi được tàu Trung Quốc trục vớt và bắt giữ, hình chụp từ video gốc: đây cũng chính là hình ảnh mà anh Hữu đã nhận ra bạn mình. (Ảnh: www.hoangsa.org)
Số phận một cựu chiến binh CQ-88 : Vượt khó để tiếp tục sống !
Một buổi sáng tháng 5/2009, chúng tôi nhận được lá thư điện tử từ anh Nguyễn Kim Hữu (đang làm cho một doanh nghiệp dầu khí tại Vũng Tàu), nội dung chỉ vỏn vẹn mấy dòng mà chứa rất nhiều thông tin: “Tôi biết rất chính xác thông tin về anh Trương Văn Hiền mà các anh cần. Trương Văn Hiền vẫn còn sống, quân xâm lược Trung Quốc bắt và đã trả về, Trương Văn Hiền là bạn thân với tôi từ nhỏ, hiện đang sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk.”Truy tìm ký ức
Anh Hữu cho biết thêm là anh nhận ra anh Hiền qua “Đoạn phim về vòng tròn bất tử của các chiến sĩ HQNDVN” trên diễn đàn hoangsa.org, lần theo đầu mối thông tin trên, Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (hoangsa.org) có được một số thông tin sơ bộ về người cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch CQ-88 (viết tắt của “Chủ quyền 1988” [*]) Trương Văn Hiền như sau:
Khi tìm đến được nơi ở của anh Trương Văn Hiền, chúng tôi được đón tiếp khá thân mật như người thân lâu ngày gặp lại. Anh đón tôi trên đường tới sân bay Buôn Ma Thuột.- Họ và tên: Trương Văn Hiền
- Cựu chiến binh Hải quân Nhân dân Việt Nam được xác định là mất tích trên tàu vận tải HQ-604 trong biến cố ngày14-3-1988. (danh sách có đăng trên báo Nhân Dân ngày 28/3/1988).
- Nguyên quán: xóm 5 xã Hương Phong - Hương Khê (trong báo ghi địa chỉ là Hương Khuê - giống nhau)
- Nơi sống hiện nay: Thôn 3 xã Hòa Thắng - TP Buôn Mê Thuột - Daklak.
- Điện thoại: 0934.874.XXX
- Hoàn cảnh gia đình hiện tại: theo lời anh Kim Hữu thì gia đình anh Hiền có gặp khó khăn về kinh tế - bản thân anh Hiền có trở ngại về sức khỏe với vết thương ở sườn và cánh tay trái.
[*] Chiến dịch chủ quyền 1988 là chiến dịch cắm mốc biên giới chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
[*] Số thứ tự 21: Trong danh sách 74 chiến sĩ hi sinh và mất tích được đăng trên báo Nhân Dân ngày 28-3-1988, anh Trương Văn Hiền có số thứ tự 21. Chi tiết các bạn có thể xem thêm tại các trang mạng do diễn đàn học thuậtwww.hoangsa.org quản lý.
Vì biết chúng tôi đến tìm hiểu, thu thập thông tin về các chiến sĩ còn sống sót của biến cố 14/03/1988, anh Hiền bỏ ngày làm việc của mình, chờ tôi từ rất sớm. Theo lịch hẹn, chúng tôi sẽ gặp nhau lúc 9h, và 7h30 anh đã nóng lòng gọi điện - hỏi han và dặn dò đường đi.
Anh gặp tôi với ánh mắt đó: thân thiện và có chút xót xa (Có lẽ kí ức đau thương dội về - kí ức của một thời nhớ mãi nhưng không muốn nghĩ lại) - đi trên chiếc xe Wave đỏ đã cũ và bộ đồ in thêm màu nắng - nhìn anh không ai nghĩ anh đã từng là một chiến sĩ Hải quân.
Những giây phút đầu, tôi lanh chanh và hấp tấp, tôi hỏi đủ thứ dường như làm anh lúng túng và cười:
"Thì cứ uống nước đi đã nào … "
Câu chuyện bắt đầu sau khi ly nước đã cạn …
Qua trò chuyện ban đầu tôi được biết anh thuộc Tiểu đoàn 6 - bộ phận đo đạc Hải đồ trực thuộc Bộ tham mưu Hải quân trước đây do anh Lê Đình Thơ, quê Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa (số thứ tự 20) [*] lãnh đạo.
Khi tôi hỏi anh về những ghi chép ngày ấy, anh chỉ cười nhạt:
- “Trôi trên biển ba ngày, mất hết cả rồi còn đâu…”
Khi xem đoạn phim về vòng tròn bất tử của các chiến sĩ HQNDVN, anh tỏ vẻ kinh ngạc:
- “ Bọn chúng còn quay cả được những cảnh này cơ à ? ”
Nói đến đây, anh Hiền thẫn thờ một lúc như cố gắng nhớ lại những kí ức như còn mới nguyên ngày nào, như thể chính anh và các đồng đội thân thương của mình vẫn đang sát vai nhau giữa làn nước biển và vòng vây tàu chiến Trung Quốc giữ lấy lá cờ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma thiêng liêng của Tổ Quốc. Rồi mắt anh nhòe đi vì xúc động…
Không xúc động sao được khi giờ đây anh lại thấy chính mình trong đoạn phim quay từ hiện trường biến cố năm xưa. Anh Hiền sau đó đã cùng với 8 đồng đội chịu cảnh tù tội vô cớ tại Quảng Đông trong suốt 3 năm ròng. Sau khi chiếc tàu đầu tiên bị chìm xuống (tàu vận tải HQ-604 bị bắn trúng hỏa lực mạnh của hai/bốn tàu chiến Trung Quốc), phía Trung Quốc tiến hành trục vớt được 9 chiến sĩ của ta, anh Hiền được cứu sống sau 3 ngày 2 đêm trôi lênh đênh giữa dòng Biển Đông và bị bắt trói mang lên tàu chiến đưa về giam giữ tại một nhà ngục thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Sau này, trong báo cáo về biến cố đó, phía Trung Quốc lại nói rằng chiến sĩ ta buông súng chịu hàng, trong khi thực tế 74 chiến sĩ đều không có vũ trang (trên tàu 604 khi đó các anh chỉ có súng AK- “Thậm chí còn không nghĩ tới việc sẽ xảy ra giao chiến, đơn thuần chỉ là vận chuyển đồ đạc cần thiết để đi cắm mốc biên giới chứ có chuẩn bị cho chiến tranh đâu” - anh Hiền ngậm ngùi kể lại - có lẽ các anh chỉ trang bị đủ để đối phó với hải tặc).
Anh
Hiền bồi hồi kể lại: “Thời gian đầu cai ngục đánh đập dã man lắm, tiêu
chuẩn bữa ăn mỗi ngày thì chỉ có 3 cái bánh mì tròn nhỏ như bánh bao,
rỗng ruột và 1 bát nước cháo”. Lúc ấy, anh bị giam riêng, biệt lập với
mọi thứ. Không rõ đồng đội của mình lúc này thế nào, cũng không biết
Biển Đông bây giờ ra sao. Chỉ biết nén nỗi căm thù vào trong tim.
Các anh còn bị tiêm 1 thứ thuốc mà không rõ là thuốc gì.
“Thì có biết thuốc gì đâu. Chúng nói bị bệnh phải tiêm thuốc."
Rồi
cứ thế, bác sĩ tới tận nhà tù “chăm sóc” bằng những mũi tiêm không rõ
mục đích. Riêng anh Hiền bị tiêm 3 mũi thuốc, các đồng đội còn lại có lẽ
đều bị tiêm nhưng không rõ liều lượng thế nào “vì bị nhốt riêng”?
Bên cạnh đó lại thường bị cai ngục tra tấn hỏi cung bằng “dây cao su”, nhưng họ chỉ nhận được câu trả lời duy nhất:
- “Chúng tôi mới gia nhập, có biết gì đâu.”
Trong
khoảng thời gian dài liên tiếp như thế có lẽ họ nản, tới ngày 2-9-1991
(theo trí nhớ của anh Hiền), các anh được trả tự do tại “cửa khẩu Bằng
Tường - Lạng Sơn” (có lẽ là cửa khẩu Hữu Nghị Quan xuất sang Bằng Tường,
Trung Quốc), cơ quan có ra đón và đưa về trại an dưỡng 1 thời gian tại
Quảng Ninh (chừng 2-3 tháng). Tất cả các bức hình sau này đều được chụp ở
Quảng Ninh) rồi thì mỗi người một nơi lập nghiệp.
- “Mỗi
người đều có một quyển sổ nhỏ ghi chép địa chỉ của nhau để tiện liên
lạc về sau nhưng bôn ba nhiều nơi cũng không biết nó bị mất từ lúc
nào...”
Theo
đề nghị của chúng tôi, anh Hiền đã hứa sẽ bắt tay vào viết một vài
trang hồi ức để lưu giữ lại các thông tin mà anh biết về những chiến sĩ
còn sống, đã hi sinh, cũng như đời sống của quân dân Trường Sa những
ngày ấy nhằm góp thêm vào kho tư liệu lịch sử chủ quyền những thông tin
quý giá.
Hoàn cảnh hiện nay
Bố
mẹ anh Hiền đều đã mất cả, gia đình anh hiện đang gặp khó khăn về kinh
tế: 9 năm sống nhờ nhà người chị lập nghiệp bằng tay trắng tới giờ cũng
chỉ có được 1 chiếc xe máy cà tàng và chiếc điện thoại để liên lạc.
Không có trong tay một tấc đất trồng cà phê hay cây công nghiệp nào
khác, sức khỏe của anh Hiền cũng rất yếu do thương tích chiến trường ở
tay trái và bên sườn.
Vợ anh, chị Bùi Thị Phượng thật thà chia sẻ với chúng tôi:
- “Anh
yếu không làm gì được nhiều. Nhiều đêm đang ngủ anh kêu đau buốt đầu
gối như có con gì bò ở trong, khó chịu lắm, khổ sở lắm, mà nào có tiền
đi khám.”
Tới nay anh cũng không biết tình trạng tổn hại sức khỏe của mình là bao nhiêu phần trăm.
- “Nhà
nghèo thì ai cũng thế, khi thập tử nhất sinh mới liều tới bệnh viện
thôi. Anh cứ đòi lấy cưa để cưa chân mình đi luôn cho khỏi đau…”
Kinh
tế không đủ ăn, đủ mặc lại còn hai con nhỏ tới tuổi đến trường, anh
Hiền là người mang thương tật từ những di chứng khi bị giam giữ ở nhà tù
Quảng Đông, hoàn cảnh của anh đang rất khó khăn.
Thiết
nghĩ, với những trường hợp như anh Trương Văn Hiền thì chính quyền địa
phương cần có những biện pháp hỗ trợ cho anh, một cựu chiến binh HQNDVN
đã hi sinh cả quãng đời trai trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền
lãnh hải của đất nước để rồi chịu nhiều thương tật - khổ ải và buồn
đau. Anh xứng đáng được hưởng những chính sách đó, vậy mà suốt bao nhiêu
năm qua, phải chăng người ta đã gần như lãng quên những con người ấy
trong khi họ là những nhân chứng sống của lịch sử.?
Theo trí nhớ của anh Trương Văn Hiền, 8 đồng đội của “Vòng tròn bất tử” ngày nào còn may mắn sống sót sau biến cố “Hải chiến Trường Sa” là:
1. Nguyễn Tiến Hùng, Quảng Xương, Thanh Hóa. (số 9 trong danh sách công bố của báo Nhân Dân) - ( theo lời của anh Hiền thì anh Hùng và anh Thoa là cùng đơn vị “lính tàu” - tức là thợ máy.)
2. Lê Minh Thoa, Bình An, Tây Sơn, Nghĩa Bình. ( nay là 1 trong 3 xã Tây An, Tây Bình hoặc Tây Vinh thuộc huyện Tây Sơn, Bình Định. Nghị định Số: 33/a-HĐBT Ngày 14 tháng 02 năm 1987 chia xã Bình An thành 3 xã Tây An, Tây Bình,Tây Vinh, nhưng có lẽ hồ sơ chiến sỹ năm 1988 chưa cập nhật thay đổi này) (số 10)
Theo lời kể của anh Hiền thì chú ruột của anh Lê Minh Thoa công tác tại Phòng chính sách thuộc Cục Chính trị Hải quân đóng tại Hải Phòng. Cha anh Thoa là ông Thừa nhà ngay cạnh cảng Qui Nhơn.
3. Nguyễn Văn Thông, Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. (số 46).
4. Lê Văn Đông, Tây Trạch, Bổ Trạch, Bình Trị Thiên. (nay là Quảng Bình). (số 47) - Trung đoàn công binh E83- trên tàu 604
5. Trần Thiện Phụng, Phường 2, Đông Hà, Bình Trị Thiên. (nay là Quảng Trị) (số 49) - Trung đoàn công binh E83 - trên tàu 604
6. Mai Văn Hải, Liêm Trạch, Bổ Trạch, Bình Trị Thiên. (nay là Quảng Bình) (số 55) - Trung đoàn công binh E83- trên tàu 604
7. Nguyễn Văn Tiến, Nam Định. (thuộc trung đoàn Công binh E83) (trong danh sách mà báo Nhân Dân đã đăng tải thì không có ai tên Tiến ở Hà Nam Ninh đây chỉ là tên khai báo cho Trung Quốc còn tên thật là Phạm Văn Nhân - Nghĩa Lợi - Nghĩa Hưng - Hà Nam Ninh - nay là Nam Định) (số 65)
8. Dương Văn Dũng, tổ 53, Hòa Cường, Quảng Nam-Đà Nẵng. (nay là 1 trong 2 phường Hòa Cường Bắc, Hoà Cường Nam thuộc quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Cũng xin lưu ý là 2 phường này còn có 6 liệt sỹ khác là các chiến sỹ số 62, 63, 64, 70, 71, 72 theo thứ tự trên báo Nhân Dân ngày 15/03/1988) (số 67)
Trong nhiều hình ảnh mà anh Hiền còn giữ lại được về các đồng đội, số có thể nhìn được rõ mặt thì không còn bao nhiêu.
Qua đây chúng tôi cũng xin kêu gọi những chiến sĩ đã trở về sau ngày 2/9/1991 có tên nêu trên đang sinh sốn g- làm việc ở đâu thì liên lạc với chúng tôi hoặc gia đình các chiến sĩ, độc giả cả nước - xin hãy cùng chung tay góp sức với chúng tôi tìm kiếm thông tin về các anh và gia đình để qua đó có những hành động thiết thực ghi nhớ công ơn mà các anh đã cống hiến cho Tổ Quốc, để 1 ngày anh Hiền và 8 đồng đội còn lại có thể cho chúng ta những bức hình ghi dấu sự hội ngộ. Đây đồng thời cũng là việc thu thập thêm tư liệu về sự kiện lịch sử gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam. Cám ơn sự ủng hộ từ các bạn.
Nguồn: Hoangsa.org
Tuanvietnam đăng lại:
Hành trình truy tìm ký ức của một chiến sĩ Hải quân
Một
trong những người sống sót từ trận hải chiến Trường Sa 1988 kể lại với
BBC những gì ông chứng kiến và về cuộc đời trôi nổi của ông từ 20 năm
qua.
Trong cuộc chạm súng ngắn ngủi đó, ba tàu vận tải của Việt Nam bị đánh chìm, hơn 70 thủy thủ thiệt mạng và mất tích.
Một trong những người còn sống, Trương Văn Hiền, khi ấy vừa ở tuổi 20 và chuyến đi ra Trường Sa trên con tàu HQ-604 là lần ra biển đầu tiên của ông.
Nói chuyện với BBC qua điện thoại từ Ban Mê Thuột nhân dịp Trung Quốc tổ chức diễu binh rầm rộ đánh dấu 60 năm lập quốc, ông cho biết mình là lính đo đạc hải đồ, và vào tháng Ba 1988, đơn vị của ông nhận lệnh ra Trường Sa.
Đó là thời điểm khi Trung Quốc bắt đầu chiếm một số bãi đá thuộc khu vực Trường Sa, còn Việt Nam cũng đưa tàu ra cắm cờ trên các đảo để xác định chủ quyền.
Đầu tháng Ba, Trung Quốc đưa lực lượng hải quân hùng hậu – có cả một tàu khu trục tên lửa – xuống quần đảo Trường Sa.
Bộ tư lệnh Hải quân chỉ đạo đưa tàu đem vật liệu ra xây cất ở một số đảo mà Việt Nam dự đoán nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc.
Trận đánh
Ngày 10.03, từ Cam Ranh, con tàu HQ-604 - chở nhóm đo đạc của Trương Văn Hiền và khoảng 100 thủy thủ khác - lên đường ra khu vực tranh chấp.
Phối hợp cùng hai tàu 505 và 604, tàu HQ-604 tiến về phía các đảo Gạc Ma và Cô Lin.
Ông Hiền kể, sau khi tàu Việt Nam thả neo, ba tàu chiến Trung Quốc bắt đầu "đi quanh tàu mình mấy vòng".
"Tàu mình không vũ khí vì là tàu chở vật liệu ra xây dựng, chỉ có mấy khẩu AK."
"Sáng ngày 14, bên mình chuẩn bị đưa hàng lên xây dựng đảo, tàu Trung Quốc đến, họ cho xuồng nhỏ lên tranh chấp nhau trên đảo. Hai bên, người bẻ cờ thì người khác lên cắm lại cờ, lát sau thì nổ súng."
Trận đánh không cân sức kết thúc mau chóng, "chỉ 15 phút sau thì chìm tàu".
Cũng trong sáng hôm đó, tại bãi ngầm ở đảo Cô Lin, tàu HQ-505 bị cháy vì hỏa lực của ba tàu Trung Quốc.
Báo chí Việt Nam nói khi thấy tàu HQ-604 đã bị chìm, những người lính trên tàu 505 đã dùng xuồng cao su cơ động chạy ra cứu về 44 thủy thủ.
Theo tài liệu chính thức của Việt Nam, ba thủy thủ Việt Nam hy sinh và 70 người mất tích mà 61 người trong số đó sau này vẫn được xem là đã tử trận.
Những ngày trong tù
Ông Hiền là một trong chín người lính Việt Nam trôi trên biển và bị hải quân Trung Quốc cầm giữ.
Mấy năm đầu, chỉ có bánh mình với nước cháo, một ngày ba lần. Ba cục bánh mì bằng bàn tay, không ăn nổi vì nhạt quá.
Trương Văn Hiền
"Nhốt mỗi người một phòng, cứ đến giờ thì mở cửa để đi vệ sinh. Mấy năm đầu, chỉ có bánh mì với nước cháo, một ngày ba lần. Ba cục bánh mì bằng bàn tay, không ăn nổi vì nhạt quá."
Ông Hiền kể tiếp: "Mấy năm đầu, bị nó đánh, tra hỏi, hỏi các căn cứ cách mạng, khu quân sự, nhưng mình là lính mới đâu có biết, sau một thời gian thì thôi."
"Sau này Hội chữ thập đỏ quốc tế đến thăm, nó mới cho đường, muối để pha ăn với cháo, tương đối thoải mái hơn. Suốt thời gian trong tù, không được tập thể thao, chỉ cho ở trên nhà nghe nhạc, xem phim chưởng."
Tháng Chín 1991 - khi Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị bình thường hóa quan hệ - những người tù của trận hải chiến Trường Sa được trả tự do.
Ông Hiền hồi tưởng: "Tối đó nó cho bữa nhậu, đốt pháo. 12h đêm, xe đến chở đi suốt ba ngày thì tới nơi trao trả tù binh, gồm 9 người và mấy lính bộ binh và một bộ hài cốt."
"Quân chủng đến đón về, cho an dưỡng một tháng, sau đó các đơn vị đến nhận người, được một thời gian thì làm thủ tục xuất ngũ."
Vất vả sinh nhai
Ông Hiền cho hay những người còn sống được tặng huân chương Chiến công Hạng Ba, được nhận thêm ít tiền.
"Bây giờ muốn làm lại thì phải ra đơn vị, nhưng xa xôi quá, tiền bạc tốn kém, chấp nhận thôi."
Người sinh ra ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, sau đó chuyển vào xã Hòa Thắng, Buôn Mê Thuột, Dak Lak, để "làm thuê, hái cà phê, cuốc cỏ, làm gì có tiền là được."
"Bây giờ vẫn làm thuê, người ta thuê gì làm nấy, đất đai thì ở nhờ bà chị."
Ở nơi ông ở bây giờ, hầu như không ai biết quãng đời 20 năm trước của ông Hiền.
Ngay cả hai con của ông - bé trai 13 tuổi và bé gái 4 tuổi - có lần được cha kể về thời gian đi lính rồi đi tù, nhưng "bọn nó đâu có tin".
Cho tới gần đây trên mạng internet xuất hiện một đoạn băng video được cho là ghi lại biến cố Trường Sa 1988 ở đảo Gạc Ma, nhìn từ quan điểm Trung Quốc.
Theo BBC Tiếng Trung, đây là video do người Trung Quốc thực hiện và tải lên YouTube, có vẻ như từ Trùng Khánh, nhưng khó có thể xác tín hoàn toàn về độ chính xác của các hình ảnh.
Dù có nhiều bán tin bán nghi về độ chân thực của video clip này, ông Hiền đã xem và cho BBC Tiếng Việt biết ông tin rằng đó là tư liệu thật được ghi vào chính ngày định mệnh 14/03/1988.
Đêm nào ngủ cũng giật mình, cô đơn rất nhiều.
Trương Văn Hiền
Ông nói những vết thương của 20 năm trước đến giờ "cứ gặp trời mưa là đau nhức".
"Đêm nào ngủ cũng giật mình, cô đơn rất nhiều," ông tâm sự.
Tháng Ba năm 1988 đánh dấu lần đầu tiên chàng trai 20 tuổi Trương Văn Hiền đi biển, lần đầu tiên rơi vào trận chiến mà trước đó, ông nghĩ về chiến tranh "như có màu hồng lãng mạn".
Khi được hỏi nếu mai này xảy ra chiến tranh vì Hoàng Sa - Trường Sa thì ông sẽ làm gì, ông Hiền nói:
"Chắc là không bao giờ đi nữa đâu. Có cảm giác tủi thân vì đổ ra xương máu không được gì, cũng hơi buồn. Đời mình không còn quan trọng, chỉ mong làm thế nào để giúp hai đứa con cho chúng nó có tương lai."
Hành trình tìm lại miền ký ức 20 năm bị lãng quên…
Chia tay gia đình liệt sĩ Tống Sĩ Bái chúng tôi được các cộng tác viên tiếp tục đưa đến nhà anh thương binh Trần Thiện Phụng để rồi may mắn tìm lại 1 phần ký ức của anh qua câu chuyện kể về trận hải chiến Trường Sa năm 1988 cùng những tấm hình quý giá giúp chúng tôi xác định được những người trở về sau cái ngày bi tráng đó...
Khi anh Phụng đi công việc vừa về tới nhà, chị vợ nhìn anh mà nói đùa: "Thương binh suýt chết về đó!”. Chị làm tôi nhớ đến mấy câu thơ của Hữu Loan trong "Màu tím hoa sim": "…Lấy chồng thời chiến binh/Mấy người đi trở lại/Nhỡ khi mình không về/thì thương/người vợ chờ/bé bỏng chiều quê...”. Đó có lẽ cũng là tâm tư của bao người trai lên đường vì chiến tranh không có ngoại lệ, bom đạn kẻ thù đâu có biết tiếc thương.
Giữa câu chuyện trong buổi về chiều, nhìn vào bức hình chụp những chiến sĩ được Trung Quốc trao trả, tôi thầm nghĩ có lẽ vợ anh Phụng là một trong số những người may mắn nhất bởi trong số 64 chiến sĩ nằm lại giữa biển khơi ấy cũng có những người phụ nữ ở nhà phải gạt nước mắt chít khăn tang khấn cầu cho vong linh chồng, con mình được an nghỉ…
Trong
ảnh là 9 chiến sĩ được Trung quốc trao trả, vợ anh Phụng cùng hai đồng
chí cán bộ dân sự khác. Các chiến sĩ mặc áo xanh hải quân theo thứ tự:
hàng trên: Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thông, Trần Thiện Phụng, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Tiến Hùng; hàng dưới: Trương Văn Hiền, Lê Minh Thoa, Mai Văn Hải, Dương Văn Dũng. (Ảnh: hoangsa.org)
Tháng 9 năm 1991, sau 3 năm bị giam giữ tại bán đảo Lôi Châu - Trung Quốc, 9 chiến sĩ được Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu Bằng Tường, Lạng Sơn. Giờ đây mỗi người mỗi nơi, họ bắt đầu 1 cuộc sống khác, nhưng ký ức về 1 thời máu lửa vẫn luôn là nỗi canh cánh trong lòng khi vùng trời, biển đảo thiêng liêng vẫn là nơi kẻ thù nhòm ngó, không tiếc thủ đoạn để dành lấy dẫu có chà đạp lên công lý, lẽ phải, đạo đức và cả xương máu của bao người con dân Việt.
Kể cho chúng tôi nghe về trận chiến hồi ấy mà anh Phụng không khỏi xúc động. Khí thế hào hùng của người chiến sĩ xung trận năm xưa vẫn còn đó lúc hồi tuởng đến sự giằng co quyết liệt giữa ta và địch trên đảo Gạc Ma. Giọng anh trở nên đanh thép lúc tả lại sự dũng cảm của các chiến sĩ hải quân ta quyết tâm bảo vệ 2 lá cờ Việt Nam trong khi đối mặt với sự hung hãn tàn bạo của bọn cướp nước với thân hình to lớn hơn rất nhiều quân ta. Rồi điều gì đến cũng phải đến vì dã tâm xâm chiếm đã được dự tính trước, súng đã nổ, thuyền bốc cháy, từng chiến sĩ trên đảo ngã xuống, nhưng lá cờ Tổ Quốc nhuộm máu những người lính anh hùng ấy vẫn phất phới tung bay.
“…Từ
nhỏ con chưa xa vắng quê nhà mẹ ơi. Một buổi xa con nhớ thương chắc mẹ
chẳng vui. Biết con đi rồi nhà cửa vắng thêm một người. Mẹ ơi! Biển sớm
dông dài là đây. Đỉnh núi non cao, cao vời. Không thể sánh bằng tình mẹ
thương con phút này. Mẹ ơi! Từ buổi cơm nghèo chiều nay. Càng vắng chim
non lẻ bầy. Xin mẹ hãy nhìn về tương lai. Bạn trẻ thương con. Có ai ghé
nhà hỏi thăm, mẹ bảo rằng con nó đang đánh giặc đầu non. Chiến tranh
khơi nguồn, nhà cửa nát tan điêu tàn. Ôi còn gì hơn tình mẹ thương con
phút này…” (Trần Thiện Phụng)
Sau biến cố ấy anh Trần Thiện Phụng cùng vợ con sinh sống ở quê nhà bằng nghề bán cháo bò trong 1 căn nhà nhỏ tại thị xã Đông Hà. Anh cũng đã được nhà nước truy tặng huân chương chiến công hạng Ba để ghi nhận những công lao góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Trong sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988, 64 người con anh dũng của dân tộc đã hi sinh
--------------