Sonntag, 23. Dezember 2012

Ðiếu Cày bị vu cáo -



Nhà cầm quyền Việt Nam dựng lên một vụ án chống thuế truy tố blogger Ðiếu Cày, nhưng điều này không lừa được ngoại giao đoàn Mỹ, khi Tổng Lãnh Sự Ken Fairfax tại Sài Gòn kết luận đây là một loại chiến thuật “để tránh bị quốc tế phản đối vì đàn áp nhân quyền” - theo tiết lộ trong một công điện đề ngày 11 tháng 9, 2008

Blogger Ðiếu Cày (thứ tư từ trái) biểu tình chống Trung Quốc trước cửa Nhà hát Thành phố, tại Sài Gòn, tháng 1, 2008. (Hình: Blog Nguyễn Tiến Trung)
Công điện này cũng tường thuật về việc công an sách nhiễu những người khác trong câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do, kể cả việc ép buộc chủ nhân khiến người ta mất việc. Trong số người được nhắc đến, có blogger Uyên Vũ, đạo diễn Song Chi, luật gia Phan Thanh Hải tức blogger AnhbaSG. (Blogger AnhbaSG tới tháng 10 năm 2010 cũng bị bắt không có lý do.)
Ngay khi blogger Ðiếu Cày bị bắt, ngoại giao đoàn Mỹ đã quan tâm. Ðại Sứ Michael Michalak đã báo tin này về Washington trong một công điện đề ngày 22 tháng 4, 2008. Công điện này cũng được chuyển cho Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Bắc Kinh và ở tổ chức ASEAN.
Sau khi truy lùng trong một tháng, công an Việt Nam đã tìm ra Ðiếu Cày ở Ðà Lạt và bắt ông này trong cuối tuần 19-20 tháng 4, 2008. Khi đó, công an Việt Nam chưa nói rõ lý do bắt Ðiếu Cày, nhưng Ðại Sứ Michalak cho rằng họ có thể bắt người vì sợ ảnh hưởng tới việc rước đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh.
Công điện của Ðại Sứ Michalak cho biết Ðiếu Cày đã bị công an chiếu cố sau khi biểu tình chống Thế Vận Hội, vào ngày 19 tháng 1, 2008. Cuộc biểu tình diễn ra trên bục thềm nhà hát thành phố, khi ông Ðiếu Cày và nhiều người khác “chưng biểu ngữ kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh”.
Một trong những biểu ngữ này được Ðại Sứ Michalak miêu tả là “mang hình ảnh, nay đã quen thuộc, với vòng tròn Thế Vận Hội được thay bằng hình còng số 8”. Ngay sau đó, Ðiếu Cày bị công an gọi lên làm việc 9 lần, và nhiều chủ đất bị cảnh cáo không cho ông Ðiếu Cày thuê mặt tiền để làm ăn.
Công điện của Tổng Lãnh Sự Fairfax chú trọng riêng về vụ án blogger Ðiếu Cày, tên thật là Nguyễn Văn Hải. Tổng Lãnh Sự Ken Fairfax tóm tắt như sau, theo lời kể của luật sư bào chữa cho Ðiếu Cày, Luật Sư Lê Công Ðịnh:
“Phiên tòa dài 6 tiếng kết thúc với tòa án kết luận Ðiếu Cày và vợ ông phạm tội trốn thuế trên hai căn nhà cho thuê tại TP. HCM. Ðiếu Cày bị tuyên án 2 năm rưỡi tù, vợ ông bị 1 năm tù treo và 18 tháng quản chế. Hai vợ chồng cũng bị phạt $48,000, tức là gấp đôi số tiền tòa cho là họ thiếu thuế.”
TLS Fairfax nhận xét: “Bản án được đưa ra mặc dù bằng chứng do đội biện hộ 4 luật sư đưa ra cho thấy người thuê đã ký hợp đồng nhận trách nhiệm trả thuế. Tại tòa, người thuê chối họ không ký hợp đồng này. Phía kiểm sát viên gọi bản hợp đồng là một bản ‘giả mạo tinh vi’ nhưng Luật Sư Ðịnh cho rằng người thuê bị chính quyền ép phải chối bỏ bản hợp đồng trước phiên tòa.”
Công điện trích dẫn lời Luật Sư Lê Công Ðịnh cho rằng Ðiếu Cày bị truy tố “vì những hoạt động khác” - ám chỉ những bài viết trên blog và sinh hoạt trong câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do. Bằng chứng là sự có mặt của công an chính trị PA 35 lúc ông Ðiếu Cày bị bắt và lúc khám nhà ông này. Luật Sư Ðịnh cũng cho biết trong những phiên “làm việc” với công an trước khi bị bắt, công an chỉ hỏi Ðiếu Cày về những hoạt động này.
Án 2 năm rưỡi tù của blogger Ðiếu Cày kết thúc vào tháng 10, 2010. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam tự tiện tiếp tục giam ông này cho tới nay, không đưa ra lý do gì và cũng không cho gia đình gặp mặt. Vào tháng 7 năm 2011, một trung tá công an khi ra tiếp vợ ông Ðiếu Cày tiết lộ “ông Hải bị mất tay” trong tù.
Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do (tiếng Anh là Freelance Journalists Club - FJC) là một nhóm blogger quen nhau 2 năm trước đó qua mạng. Ông Fairfax miêu tả bài viết của nhóm CLBNBTD là bao gồm những đề tài chưa được báo chí nhà nước tường thuật đầy đủ: “Vụ sập cầu Cần Thơ, đình công, Công Giáo đòi lại đất ở Hà Nội và các đề tài khác.”

Công an làm khó dễ CLB Nhà báo Tự do

Từ viết bài, CLBNBTD tiến tới hành động cụ thể hơn, như biểu tình trước nhà hát thành phố và dự định biểu tình nữa vào tháng 4, 2008. “Kết quả là, Ðiếu Cày và bạn hữu trong nhóm CLBNBTD bị chính quyền soi mói,” TLS Fairfax viết.
Một nạn nhân là blogger Uyên Vũ. “Công an đe dọa người chủ là sẽ ‘xem xét rất kỹ’ chuyện làm ăn của công ty này nếu công ty còn ‘tiếp tục chứa chấp’ Uyên Vũ”. Blogger Uyên Vũ “không còn chọn lựa nào khác hơn là ‘tình nguyện’ nghỉ việc”.
Một nạn nhân nữa là đạo diễn Song Chi. Chính quyền đến gặp Xưởng Phim Truyền Hình Thành Phố, sau khi xưởng phim này chọn cô để đạo diễn một bộ phim mới. Công an đưa ban giám đốc xem bài blog của Song Chi và nói cô “có vấn đề chính trị và tư tưởng phức tạp”. Câu này được TLS Fairfax miêu tả là “lối nói được xem là án tử hình cho người làm truyền hình”. Sau đó, xưởng phim này rút lại lời mời Song Chi, rồi sau vụ đó cô không tìm được việc đạo diễn nào nữa.
Công điện của TLS Fairfax cũng nhắc tới trường hợp Phan Thanh Hải tức blogger AnhbaSG. “Vợ ông có lần bị an ninh thường phục dọa sẽ cho ‘tai nạn chết người.’” Công ty của ông không tìm được chỗ thuê văn phòng. Hải sau đó phải sang tên công ty cho người nhà và không nhúng tay vào nữa để đỡ bị sách nhiễu. Blogger này là luật gia và, theo công điện cho biết, “gặp khó khăn khi gia nhập Ðoàn Luật Sư TP. HCM, và nói mặc dù các thành viên đoàn luật sư ủng hộ nhưng ‘cấp trên’ chặn đơn của anh”.
Hai năm sau khi TLS Fairfax viết những dòng chữ trên, blogger AnhbaSG bị an ninh bắt đi ngày 23 tháng 3, 2010. An ninh không xuất trình giấy tờ gì mà xông thẳng vào nhà, đập phá khám xét rồi lôi AnhbaSG đi, theo lời một nhân chứng sống gần nhà kể lại cho trang web CLBNBTD. Nhân chứng này kể, “Tui thấy hơn chục thanh niên đạp cửa, tràn vào nhà chú kia (AnhBaSG), tui nghe thấy tiếng đập phá đồ đạc, chú kia la hét dữ quá... Tui tính tới gần coi chuyện gì xảy ra, thì một cậu thanh niên trông rất cô hồn đuổi tui đi. Tui chỉ kịp thấy chú kia bị vài thanh niên bóp cổ, bẻ tay đưa lên xe.”
Cho tới nay, gần một năm sau, vẫn chưa có lời giải thích nào từ giới chức thẩm quyền về lý do AnhbaSG bị bắt.
Vụ án Ðiếu Cày tiếp tục được ngoại giao đoàn Hoa Kỳ quan tâm. Ðại Sứ Michalak nhắc lại vụ này trong công điện đề ngày 6 tháng 8, 2009, chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Thượng Nghị Sĩ Jim Webb tới Việt Nam. 
Về tự do ngôn luận, công điện này nhắc: “Trong bản báo cáo hồi tháng 5, Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (Committee to Protect Journalists) xếp Việt Nam vào hạng ‘10 chỗ tệ nhất cho blogger’ phần lớn là vì bắt giữ blogger Ðiếu Cày vào tháng 9, 2008; vụ bắt blogger Nguyễn Tiến Trung vào tháng 7, 2009 lại càng nhấn mạnh điều này hơn.”
Việc sách nhiễu các blogger được TLS Fairfax miêu tả là “phương pháp để chính quyền đàn áp các nhà hoạt động một cách tinh vi hơn nhưng vẫn hiệu quả”. Ông so sánh với thời năm 2006-2007, khi các nhà hoạt động bị bắt giam với tội danh vi phạm an ninh quốc gia, khiến thế giới “phẫn nộ lên án”. Sau đó, chính quyền Việt Nam, theo TLS Fairfax, “đổi chiến thuật, nhưng cũng với cùng kết quả”.
Chiến thuật mới, theo ông, gồm có: “Công an theo dõi liên tục, thường xuyên gọi lên giữ lại để làm việc, và gây trở ngại cho công ăn việc làm của các nhà hoạt động và gia đình họ.” Chiến thuật này “không có gì mới nhưng có vẻ ngày càng được dùng nhiều hơn, để chính phủ Việt Nam có thể che đậy bằng bình phong của một nhà nước pháp quyền.”
Tuy nhiên, ông đánh giá những biện pháp này vẫn không chặn nổi dư luận. “Chi tiết về vụ án Ðiếu Cày, về những cuộc biểu tình đòi lại đất của người Công Giáo ở Hà Nội, và cơn sốt chống Trung Quốc vì Trường Sa-Hoàng Sa vẫn có thể tìm thấy được rộng rãi trên thế giới blog Việt Nam.”
––-
Liên lạc tác giả: VuQuiHaoNhien@nguoi-viet.com