Thay đổi văn hoá lịch sử cổ truyền Việt Nam bằng văn hoá Trung Quốc ?
http://vi.wikipedia.org/wiki/Chùa_Bái_Đ%C3%ADnh
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Văn_Trường
http://vi.wikipedia.org/wiki/Chùa_Bái_Đ%C3%ADnh
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Văn_Trường
Đinh-Đính-Đỉnh-Đình-Định.
( Vài dòng tản mạn về Chùa Bái Đính)
Mua vé giá rẻ của hãng máy bay Jetstar từ hơn 6 tháng trước để đi Hà nội, hai vợ chồng chúng tôi bay ra Hà nội sáng ngày 20 tháng 10 và bay vào lại Sài gòn ngày 26 tháng 10 vừa qua. Mua được giá khuyến mãi cũng thích thật. Bốn vé khứ hồi mà chưa tới năm triệu đồng ! Chỉ có cái tội là bay trễ 2 giờ mà hãng không thông báo xin lỗi hành khách. Chuyến bay vô Sài gòn trễ quá nên hơn một giờ khuya chúng tôi mới về tới nhà. Ở đời, của rẻ thì của thối thôi ! Ráng chịu.
Ra Hà nội gặp tiết thu đúng nghĩa, chúng tôi trải qua mấy ngày đi rong và thăm thú nhiều nơi trong thời tiết dìu dịu, sáng mù, trưa mây, chiều tối se lạnh. Có ở Hà nội mấy ngày thu trời đẹp mới thấy vì sao hầu hết nhà thơ, nhạc sĩ ca ngợi Hà nội mùa thu như thế.
Có vài chuyện bên lề nội dung bài viết này, tôi cũng nói ở đây chút xíu cho vui.
Giá cả thức ăn uống ở Hà nội đắt hơn Sài gòn nhiều. Tô bún riêu, tô bún ốc có giá 40.000 đồng, tô phở 60.000 đồng mà không có gì đặc biệt và không ngon chi cả. Đi vô quán bún chả hàng Mành tiếng tăm vang dội trên mạng du lịch lại càng chán! Hai chúng tôi leo lên căn gác hẹp kê năm sáu bộ bàn bốn ghế nhỏ chật chội. Vậy mà khách đông kín, hầu hết là khách nước ngoài. Đi ngang chỗ chế biến bún chả chúng tôi thấy chả và thịt nướng cháy đen thui, trong bụng đã thấy ngại. Ngồi vào bàn tôi thấy hai người khách Nhật đứng dậy trả tiền mà phần ăn của họ còn để nguyên, càng ngại thêm. Chúng tôi kêu 2 phần, ráng bụng vừa ăn vừa ngậm ngùi, thấy tiếc của mà ăn. Trả 150.000 đồng cho 2 phần bún chả mà thấy uổng phí tiền quá (nói chung, cũng tô bún riêu, bún ốc, tô phở, phần bún chả như vậy, ở Sài gòn ngon hơn mà giá chỉ bằng một nửa). Chúng tôi đi ăn trưa với cậu em, vào quán cơm văn phòng tưởng là giá mềm, ai ngờ trả cho 3 người ăn, uống 3 chai Heneiken mà bấm bụng trả 575.000 đồng. Muốn xỉu luôn !
Ra đường tôi nhận thấy rất nhiều người đi trên đường phố Hà nội bằng xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.
Khi hai chúng tôi vào Văn miếu, tôi móc 2 cái mũ bảo hiểm trên tay lái, khi tham quan xong đi ra lấy xe, một cái mũ không cánh mà bay. Tôi mượn cái xe Honda không biển số, chở bà vợ không đội mũ bảo hiểm ( mất rồi có đâu mà đội ?!) chạy quanh co các đường phố Hà nội gần 3 kilomet, ngã tư nào cũng có công an, vậy mà công an giao thông chỉ nhìn chứ không thổi phạt ! Thế mới lạ chứ. Công an Hà nội hay thật!
Chúng tôi vào Bảo tàng mỹ thuật, thấy tranh tượng hầu hết là của các họa sĩ từ thời Mỹ thuật Đông dương phần nhiều vẽ với nội dung “ sống, chiến đấu, lao động” ghi lại những hình ảnh trong thời kỳ lao động thủ công ở miền Bắc trước 75. Có lẽ tranh bảo tàng được chọn theo tiêu chí hiện thực xã hội chủ nghĩa? Chỉ có duy nhất một họa sĩ miền Nam hiện còn sống là Nguyễn Trung có một bức tranh treo ở bảo tàng nhưng chẳng mấy xuất sắc. Bức tranh vẽ mấy anh bộ đội hành quân với lá ngụy trang trên mũ tai bèo.
Vài dòng tản mạn loanh quanh Hà nội. Bây giờ là tản mạn vô đề tài “Đinh, Đính, Đỉnh, Đình, Định” viết về chùa Bái Đính .
Mặc dầu là dân Sư phạm học ngành Vạn vật là khoa học tự nhiên và thực nghiệm nhưng tôi lại thích mỹ thuật văn chương và triết học. Ngoài những sách báo Phật học và triết lý đạo Phật, tôi thấy mấy quyển sách của Krishnamurti xuất bản cũng ham, rồi “ Nhận định” của Nguyễn văn Trung cũng mua về đọc, tự nghĩ là mình cũng có chút hơi hám triết học ( thật ra chỉ là một đám ba vớ), rồi thấy “Hố thẳm của tư tưởng” và ” Im lặng hố thẳm” của Phạm công Thiện xuất bản cũng láu táu mua về. Mua lỡ rồi tôi cũng ráng trợn mắt đọc cho hết, càng đọc càng rối mù đầu tưng tưng muốn tẩu hỏa nhập ma luôn. Chỉ còn lại trong đầu tôi lối chơi chữ của Phạm công Thiện “ chay, chạy, chày, cháy, chảy” để nói đến một ý niệm triết học nào đó mà khi đọc tôi mù mờ, cho đến bây giờ thì chẳng nhớ nổi là nằm trong quyển nào nữa. Ngưỡng mộ Phạm công Thiện, một đấng tài hoa, tôi viết bài này với cái tiêu đề cũng đồng dạng lối chơi chữ như vậy cho lạ, cho vui. Mời quý vị đọc hết bài thì sẽ hiểu ý người viết.
- Đinh : Chùa Bái Đính nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa lư của triều đại nhà Đinh.
- Đính : nói về chùa Bái Đính ( cổ tự và tân tự)
- Đỉnh : cao nhất , lớn nhất, to nhất , nặng nhất, là đỉnh của lượng và kích cở.
- Đình : Chùa mang phong cách và hoạt động của đình hơn là chùa.
- Định : Quyết định của nhà nước. Ý định chủ đạo của nhà đầu tư. Định kiến xã hội.
- Kết : Những điều trông thấy….
1. Đinh: Chùa Bái Đính cổ và tân đều nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây khởi nghiệp triều Đinh, kế tiếp là Tiền Lê, rồi nhà Lý.
…Cách đây hơn một ngàn năm, tức là vào năm Mậu Thìn (968), sau khi dẹp loạn thành công 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Đại thắng Minh Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm kinh đô.
Ngoài địa thế thuận lợi về quân sự, cả thế tiến công cũng như thế phòng thủ, Hoa Lư - Tràng An còn là một vùng non xanh nước biếc, đẹp mê hồn, bất cứ ai có chút máu thi ca đến đây đều mê ly đắm say, tha hồ buông thả trí tưởng tượng lãng mạn.
Chỉ tính trong phạm vi 2.000 ha xung quanh kinh thành đã có tới 50 hang động. Hang ngắn vài chục mét; hang dài hàng trăm mét, mang đủ mọi hình thù kỳ ảo.
Các hang được nối với nhau bởi gần 30 thung, mỗi thung mang một vẻ đẹp riêng, y như những bức tranh thủy mạc. Liền kề khu Hoa Lư - Tràng An là những cánh rừng nguyên sinh có hệ thống sinh thái đa dạng, với những loài động vật quý hiếm như phượng hoàng đất, vượn yếm trắng...vẫn còn tồn sinh đến ngày nay.
Rồi sông Hoàng Long, sông Tào Khê uốn lượn; buổi sáng khi bình minh ló rạng, buổi chiều lúc hoàng hôn buông xuống, mặt sông lấp loáng trong sương khói huyền hoặc, linh thiêng.
Xa hơn một chút là Tam Cốc - Bích Động, núi Non Nước, động Tiên, động Địch Lộng, động Sinh Dược - nơi có vườn thuốc Nam của Thiền sư Nguyễn Minh Không, suối nước nóng Kênh Gà, động Vân Trình, khu sinh thái ngập nước Vân Long. Rồi rừng quốc gia Cúc Phương, hồ Động Chương, hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái. Sang cuối thế kỷ 19, người Ninh Bình còn tạo ra một kiệt tác: nhà thờ đá Phát Diệm.
Thành Hoa Lư chỉ giữ vị trí kinh đô 42 năm, với triều Đinh 12 năm, triều tiền Lê 28 năm, triều Lý 5 tháng, nhưng những gì hai vị Hoàng đế - Đinh Tiên Hoàng - Lê Đại Hành, Hoàng hậu Dương Vân Nga và các tướng lĩnh làm được đủ để cho ngàn năm sau con cháu chiêm bái, bầu bạn năm châu bốn biển chiêm ngưỡng.
Sự chiêm bái ghi ơn của người đời sau được thể hiện bằng những đền đài, tông miếu, lăng tẩm bao giờ cũng ấm lửa khói hương. Chỉ tính trên đất Ninh Bình đã có tới 84 di tích lịch sử - văn hoá liên quan đến hai triều Đinh - Lê, trong đó có 12 nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng, 12 nơi thờ vua Lê Đại Hành.
Người đàn bà là Hoàng hậu của hai vua, một cái nhịp cầu nối giữa hai triều đại - Dương Vân Nga - cũng có 6 nơi thờ tự. Nhân dân không lập đền thờ riêng bà. Có nơi bà được phối thờ với người chồng trước: Đinh Tiên Hoàng; có nơi thờ với chồng sau: Lê Đại Hành.
Các bậc Tứ trụ triều đình, là những anh hùng đã cùng vua xông pha trận mạc như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ...cũng được nhân dân lập đền thờ nhiều nơi.
Chẳng thanh cũng thể hoa nhài
Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An
Tràng An trong hai câu ca dao trên, nhiều ý kiến cho rằng chỉ kinh đô của nước Đại Cồ Việt ta xưa, vì kinh thành Hoa Lư có một phần nằm trên đất làng Tràng An, xã Trường Yên.
Mỗi lần đến thăm viếng hai ngôi đền chính ngự trên nền cung điện xưa - một đền thờ vua Đinh, một đền thờ vua Lê cùng hoàng hậu Dương Vân Nga - trong lòng người lại dâng lên một niềm cảm xúc thành kính.
Bên cạnh sự cảm phục hai vị Hoàng đế anh hùng và người đàn bà từng làm Hoàng hậu của hai vị, người ta cũng cảm phục lắm cái văn hoá ứng xử của người dân ở đây.
Ngay sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, Hoa Lư trở thành cố đô, nhân dân đã lập hai ngôi đền thờ hai vua ngự song song nhau, cách nhau một khoảnh ruộng đồng.
Trải qua thời gian mưa dầm nắng xói, đền hư hỏng, đã một lần phải làm lại, hai lần trùng tu; mỗi lần như thế, nhân dân lại gửi gắm tình cảm tôn kính, biết ơn một cách công bằng, khẳng khái vào từng nét trạm khắc trên từng khúc gỗ, bức đại tự, những đôi câu đối đến từng pho tượng.
Có thể nói hai ngôi đền này là hai công trình kiến trúc cổ mang một vẻ đẹp hoàn bích. Những người nghiên cứu sâu sắc dường như học thuộc lòng những câu đối trong hai ngôi đền. Chẳng hạn đền vua Đinh có câu: Ngã Nam đế thống đệ nhất kỷ/ Trường Yên miếu mạo vạn thiên niên; nghĩa là; Nước Nam thống nhất kỷ thứ nhất/ Trường Yên đền miếu vững ngàn năm.
Và ở đền vua Lê thì: Thần vũ thiếp tứ lân, thịnh Tống cường Chiêm thử nhật/ Tinh linh tồn thiên cổ, Long Giang mã trục chi gian; nghĩa là: Thần vũ động bốn bên trong lúc Chiêm cường Tống thịnh/ Thiêng liêng còn muôn thủa trong vùng núi Mã sông Long. Hai câu đối ấy đủ khái quát hoàn cảnh xã hội, vai trò, công đức của hai vị vua đầu triều Đinh - Lê, mở đầu cho một nhà nước trung ương tập quyền phong kiến Việt Nam.
Người ta càng cảm phục khi nhìn thấy bên ngoài Ngọ Môn có bốn chữ Bắc môn tỏa thược; nghĩa là Khoá chặt cửa Bắc để tránh gió bấc, nhưng ngầm chứa một nghĩa sâu xa hơn: Đề phòng giặc phương Bắc!
Người xưa nghĩ xa, cảnh báo với hậu thế cái điều hệ trọng sống còn của nòi giống Lạc Hồng chỉ bằng bốn chữ; cái văn hóa của người Việt xưa mới thâm hậu, trí lự làm sao!
Điều làm người ta cảm phục nữa là tài tạc tượng của người xưa. Các pho tượng trong hai ngôi đền Đinh - Lê đều tạc bằng gỗ quý, từ thế kỷ 17, rất tinh xảo, nhìn mặt tượng là nhận ra tính cách, số phận.
Oai hùng lẫm liệt nhưng khắc khổ, bạc mệnh như Đinh Tiên Hoàng; thao lược, quả cảm mà phóng khoáng như Lê Đại Hành; bạc ác và dâm dục như Lê Ngoạ Triều...
Người ta đặc biệt chú ý tới pho tượng bà Hoàng hậu Dương Vân Nga. Vua Đinh có 5 Hoàng hậu (trong đó có Dương Vân Nga); vua Lê cũng có 5 Hoàng hậu (trong đó cũng có Dương Vân Nga), nhưng trong số Hoàng hậu ấy chỉ một mình Dương Vân Nga được nhân dân đúc tượng.
Đây là một pho tượng có vẻ đẹp đa chiều, nhiều tầng. Khuôn mặt trái xoan, má bồ quân, da trắng hồng, mắt đen và sáng, môi son cắn chỉ, các đường nét thanh tú, hài hoà, vừa toát ra vẻ thánh thiện vừa có nét đời thường bản năng đàn bà; vừa dịu dàng, trang nhã vừa dữ dội, quyết đoán.
Câu chuyện tình tay ba Đinh Bộ Lĩnh - Dương Vân Nga - Lê Hoàn, nếu nhìn bằng con mắt nho giáo độc tôn thì quả thật, còn có những điều cấn cái song nhìn bằng con mắt mang tầm tinh hoa văn hoá chung của nhân loại thì đó lại là một trong những câu chuyện tình (không cần phải hư cấu) đặc sắc của trần gian, hàm chứa giá trị nhân văn thăm thẳm. Hẳn là vì thế mà khách du lịch trong và ngoài nước đến Tràng An, có thể bỏ điểm nọ điểm kia, nhưng đền vua Đinh - vua Lê thì không thể không đến. (1)
2. Đính : ( chùa Bái Đính cổ, chùa Bái đình mới)
Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách HàNội 95 km.
Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha , bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, diện tích còn lại dùng cho các hạng mục khác như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh…..
Chùa Bái Đính cổ: Chùa Bái Đính cổ tọa lạc trên một ngọn núi cao 187m, gắn liền với huyền thoại về Đức Thánh Nguyễn Minh Không. Chùa được Đức Thánh Nguyễn lập nên vào triều Lý khi Ngài về đây tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho vua.
Câu chuyện chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông là có thật được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư là chính sử. Trong Lĩnh nam chích quái và Thiền uyển tập anh cũng có nói về chuyện này nhưng đã phủ lên đó một tấm màn huyền hoặc, thần bí. Đó là chuyện Sư Từ Đạo Hạnh tái sanh thành vua Lý Thần Tông, bịnh hóa hổ được Nguyễn Minh Không là bạn đạo của Từ Đạo Hạnh chữa lành.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh năm 1072, vốn tên là Lộ, tự là Đạo Hạnh, sống vào thời vua Lý Nhân Tông, tu ở chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn, thuộc phủ Quốc Oai, Sơn Tây ngày nay. Theo những gì sử sách còn ghi chép lại được thì cha của Từ Đạo Hạnh tên là Từ Vinh, thuở nhỏ xuất gia theo học Phật nhưng về sau thì hoàn tục và làm quan tới chức Tăng Đô Sát trong triều đình nhà Lý.
Từ Vinh lấy bà Tăng Thị Loan sinh được hai người con, một gái và một trai, Từ Đạo Hạnh là con trai thứ hai nhà họ Từ. Hai ông bà làm nhà trên mảnh đất phía Nam của làng ấy, nay chính là chùa Láng.
Từ Vinh có pháp thuật cao cường, lại dâm đảng, thường tàng hình rồi biến hình thành Diên thành hầu , để thông dâm với vợ ông ta . Biết đươc sự việc, Hầu mới nhờ Sư Đại Điên làm bùa bắt được giết chết Từ Vinh ném xác xuống sông. Từ Đạo Hạnh là con Từ Vinh muốn trả thù cha nên tìm thầy học được pháp thuật cao cường hơn giết được Sư Đại Điên. Sư Đại Điên chết đầu thai thành bé Giác Hoàng, mới 3 tuổi mà trí tuệ xuất chúng. Vua Lý Nhân tông không con nên theo lời tâu của quần thần có ý muốn Giác Hoàng đầu thai vô cung vua . Từ Đạo Hạnh biết chuyện đem bùa tới yểm nên Giác Hoàng chết non. Vua bắt Từ trị tội. Từ Đạo Hạnh yết kiến và xin Sùng hiền Hầu ( em vua) cứu mạng. Đổi lại , Từ hứa sẽ đầu thai làm con ông ta.Vua nghe lời tâu của Sùng hiền hầu tha cho Từ. Nhân khi Hầu phu nhân đang tắm, Từ đi ngang qua. Hầu phu nhân đậu thai. Khi Hầu phu nhân sắp sinh, Hầu cho người báo thì Từ dặn dò chúng đệ tử rồi hóa. Hầu phu nhân bèn sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba, vua Nhân Tông nhận làm con nuôi ở trong cung,rồi lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng hà, thái tử tức vị, ấy là vua Thần Tông do Từ Lộ thác sinh ra vậy. Hình xác Lộ nay còn ở hõm đá trong chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, huyện Ninh Sơn.
Từ Đạo Hạnh kết bạn với Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không .
Ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng (còn có tên là Gia Viễn) đất Trường An có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không ,gặp Đạo Hạnh, học được đạo giáo, trải hơn mười năm. . Kíp tới khi Đạo Hạnh sắp tạ thế bảo Minh Không rằng: "Xưa tôn sư của ta tu đã tròn quả phúc mà còn bị cái nạn đao thương quả báo, huống chi ở cái thuở mạt thế huyền vi này, há có thể tự giữ mình được sao? Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau"..
Khi Từ Đạo Hạnh đã hóa, Minh Không trở về chùa cũ cày ruộng. Hơn hai mươi năm, ẩn hơi kín tiếng.
Sau khi lên ngôi báu được ba năm thì Lý Thần Tông bỗng bị một bệnh lạ lùng. Thoạt tiên, nhà vua thấy ngứa ngáy khắp cả mình mẩy. Càng gãi bao nhiêu thì lông càng mọc bấy nhiêu. Mãi về sau toàn thân mọc thứ lông màu vàng có vằn đen như da hổ, miệng thỉnh thoảng lại gầm lên những tiếng dễ sợ. Nhà vua suốt ngày ngồi lù lù trong một góc buồng, áo quần mặc vào bao nhiêu xé rách bấy nhiêu,Các lương y trong thiên hạ vâng chiếu mà đến, kể hàng ngàn người, đều chịu bó tay. Khi ấy có đám trẻ hát rằng:
“Dục trị thiên tử bệnh, tu đắc Nguyễn Minh Không” (nghĩa là: muốn chữa khỏi bệnh nhà vua tất phải tìm được Nguyễn Minh Không).
Quần thần cho tìm và mời Minh Không về cung.
Khi gặp Thần Tông, Minh Không lớn tiếng nói:
“Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”
Vua nghe nói rất run sợ. Minh Không bèn lấy một cái vạc lớn đựng dầu, đun lên sôi sùng sục, rồi lấy tay khoắng vào bốn lần, rắc vẩy lên khắp mình vua, lông trên người vua rụng hết, bệnh tức thì khỏi hết. Vua bèn phong Minh Không làm quốc sư, được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý, hưởng lộc mấy trăm hộ để thưởng công. Năm Tân Sửu, niên hiệu Thái bình thứ 22, Minh Không tạ thế, thọ bảy mươi sáu tuổi.
Về tên gọi của chùa, người đời truyền lại: Bái có nghĩa là lễ bái, cúng bái trời đất, Tiên Phật. Đính có nghĩa là đỉnh, là ở trên cao. Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ở trên cao. Điều này thuận theo địa thế của Bái Đính cổ tự, vì chùa nằm trên một đình núi cao. Gần 1000 nãm ðã trôi qua, ngôi chùa vẫn còn đó như một minh chứng cho sức sống bền bỉ của đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Việt. Các hạng mục chính của chùa gồm: động thờ Phật, động thờ Mẫu, điện thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và điện thờ Đức Thánh Cao Sơn.
Bái Đính cổ tự không có những mái chùa cong vút mái đao hay mũi hài, càng không có những trụ cột to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy. Chùa được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến ở Ninh Bình. Toàn bộ các bàn thờ Phật, thờ Mẫu của chùa được đặt giữa lòng những sơn động u minh càng làm tăng thêm không khí linh thiêng và huyền bí nới cửa thiền. Trần hang động đã trở thành những mái chùa kiên cố, che chắn chốn thiêng ngự trị của Phật, của Mẫu đã hàng bao thế kỷ nay. Và Bái Đính không chỉ là nơi để người đời tỏ lòng mộ đạo mà còn là một thắng cảnh đẹp. Để khi kinh lý qua đây, vua Lê Thánh Tông đã tự tay đề tặng bốn chữ "Minh Đỉnh danh lam” ca ngợi vẻ đẹp chốn này.
Chùa Bái Đính mới: nằm phía bên kia núi so với chùa cổ.
Chủ trì thiết kế kiến trúc chùa Bái Đính là Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương (Viện Bảo tồn di tích Việt Nam). Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau. Ngôi chùa này khởi công xây dựng từ năm 2003, nghe nói là đến 2015 mới hoàn tất ?!
Kiến trúc khu chùa mới nổi bật với những hình khối lớn, Về vật liệu, hệ thống cột và kèo ở cổng Tam Quan, hành lang La Hán và điện Quan Âm được làm bằng gỗ tứ thiết, các công trình lớn hơn làm bê tông giả gỗ. sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh bình), ngói men Bát tràng màu nâu sẫm...
Các kiến trúc chính như cổng Tam Quan, tháp chuông, điện Quan Âm, điệp Pháp Chủ, điện Tam Thế nằm trên một trục .
Cổng Tam Quan với hai tượng Hộ pháp (ông thiện và ông ác) bằng đồng cao 5.5 m, nặng 12 tấn và 8 pho tượng Kim Cương.
Hành lang La Hán gồm 234 gian nối liền với hai đầu Tam Quan, có chiều dài 1052 m và chiều cao sàn nâng dần theo độ dốc của sườn đồi là nơi bố trí 500 tượng La Hán bằng đá xanh Ninh Bình nguyên khối cao tới 2.5 m, nặng khoảng 4 tấn.
Tháp chuông có 3 tầng mái, mỗi tầng mái có 8 mái ghép lại, tổng cộng là 24 mái với 24 đầu đao cong vút lên, bên trong treo một quả chuông nặng 36 tấn được cấp bằng xác nhận kỷ lục: “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam". Phía dưới quả chuông đồng này là một chiếc trống đồng lớn nặng 70 tấn nằm trên nền tháp chuông.
Các điện chính là nơi thờ Phật.
Điện Quan Âm gồm 7 gian với gian giữa của điện đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt để thể hiện sự bao quát cứu vớt và phổ độ chúng sinh của Phật bà trên thế gian. Tượng Phật bà được đúc bằng đồng nặng 80 tấn, cao 9.57 m được công nhận là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam.
Điện Pháp Chủ có 5 gian, gian giữa đặt pho tượng Phật Pháp Chủ bằng đồng cao 10 m, nặng 100 tấn. Được xác nhận kỷ lục ”Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam”. Trong điện còn treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng lớn nhất Việt Nam.
Điện Tam Thế tọa lạc ở trên đồi cao so với mặt nước biển là 76 m, dài 59.1 m, rộng hơn 40 m. Trong điện Tam Thế đặt 3 pho tượng Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại và tương lai) bằng đồng cao 7.2 m, nặng 50 tấn. Được xác nhận kỷ lục: “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Thiết kế và xây dựng chùa Bái Đính phải theo ý của nhà đầu tư. Họ bỏ tiền ra và đưa ra ý kiến của họ. Nhà đầu tư muốn có cái chùa để chứa đựng được những kỷ lục to lớn quá khổ. Đứng bên ngoài ngắm cảnh quan, nhìn tổng thể thì chùa cũng có vẽ một chốn thiền môn nhưng khi vào bên trong thấy các tượng người ta chỉ thấysự mất cân đối thái quá. Có thể Ông Hoàng Đạo Kính và các kiến trúc sư cọng sự cũng thấy cái khập khiểng, cái thái quá, cái bất cập hoặc sự mất cân xứng trong tỉ lệ giữa tượng và chùa nhưng “ khách hàng là thượng đế” nên họ cũng nhắm mắt làm theo mà thôi.
Nhìn chùa tân Bái Đính trong đầu tôi cứ hiện ra hình ảnh chùa chiền trong những phim cổ trang của Tàu. Tôi tưởng tượng ra những người bịt mặt khăn đen, mặc áo màu đen quần bó chẻn mang binh khí trên lưng, cúi rạp người chạy rồi nhảy lên mái chùa rêu phong. Lạ thật ! Không biết từ thuở nào, cái bóng ma văn hóa Tàu tiêm nhiễm vào đầu óc tôi như thế. Có lẽ không gian kiến trúc chùa này cũng chịu ảnh hưởng như thế không chừng ?
3. Đỉnh (kỷ lục): rộng nhất, lớn nhất, to nhất, nặng nhất, nhiều nhất, dài nhất.
Chùa Bái Đính được báo giới ca ngợi là một ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực. Tính đến ngày 6/6/2009 ngôi chùa này đã có 6 kỷ lục được công nhận. Ngày 28/2/2012 chùa có thêm 2 kỷ lục chùa lớn nhất châu Á được xác lập. Những kỷ lục của chùa Bái Đính được xác lập gồm:
1. Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á : Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ
2. Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: tượng Phật Di lặc 100 tấn ngoài trời.
3. Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
4. Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha).
5. Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3 km.
6. Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
7. Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
8. Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ.
Kỷ lục thứ 8 hơi lạ. Việc xác lập kỷ lục gọi 100 cây bồ đề là được chiết từ cây bồ đề Ấn độ. Đó là cách nói của những nhà đầu tư công trình chùa tân Bái Đính để cho có hương Phật. Thực tế không phải như vậy. Đó là những cây “ GIẢ BỒ ĐỀ” còn gọi là lâm vồ, tên tiếng Anh là mock bodhi tree (giả bồ đề), tên khoa học là Ficus rumphii.
Cây bồ đề được trồng trước sân chùa Từ Đàm ở Huế mới thật đúng là cây bồ đề lấy giống từ Ấn độ.
Cây bồ đề Ấn Độ đầu tiên đến đất Huế nay đã được 73 năm, phát triển xanh tươi toả bóng cả sân chùa Từ Đàm. Tấm bia đá gắn ở gốc cây bồ đề trong sân chùa cho biết: “Cây bồ đề này có nguồn gốc từ cây bồ đề chính tại Ấn Độ, nơi Đức Phật Thích Ca chứng thành đạo quả vô thượng giác. Thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, thời vua Asoka, thái tử Mahinda (con vua Asoka) đem giống sang trồng ở Sri Lanka (Tích Lan) khi qua truyền đạo tại đây. Đại đức Narada, người Tích Lan, đã cùng với bà Karpeles trong phái đoàn Phật giáo Campuchia lấy giống từ cây bồ đề ở Tích Lan tặng hội Phật học Trung phần và trồng tại đây trong dịp sang thăm Thuận Hoá năm 1939.”
Bồ đề Ấn Độ , tên tiếng Anh là bodhi tree, pipal tree, tên khoa học Ficus religiosa, thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Người công bố tên khoa học đã dùng tính ngữ La Tinh “religiosa” (thuộc về tôn giáo) để nhấn mạnh sự liên quan của cây với truyền thuyết Đức Phật chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới cội cây này. Cây phân bố tự nhiên ở Ấn Độ, Nepal, Thái Lan.
Do cùng chi thực vật nên hai cây có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng dễ phân biệt bằng cách dựa vào hình thái lá. Lá bồ đề có mũi kéo dài thành chuôi hình kim cong, dài 2 – 4cm, hệ gân nổi rất rõ, gồm nhiều cặp gân bên gần song song, mọc gần đối, phiến lá dày với mặt trên bóng láng, mép gợn sóng, đáy thường cắt ngang, cuống lá dài tương đương chiều dài phiến lá. Lá lâm vồ có mũi nhọn 1 – 2cm, hệ gân ít nổi rõ, các cặp gân bên thưa, mặt trên phiến lá thường không bóng láng, mép phiến lá không gợn sóng, đáy phiến lá thường hình tim, cuống lá thường ngắn hơn phiến . ( theo Đỗ xuân Cẩm )
Một trăm cây kỷ lục đó là cây lâm vồ!
Ăn theo lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long, những nhà đầu tư xây chùa Tân Bái Đính không bỏ lở cơ hội. Lúc 5h sáng ngày 4/3/2010, các doanh nhân và đại biểu tham dự Lễ hội về chùa Bái Đính tiến hành trồng 1.000 cây giả bồ đề, hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây, phát động đầu Xuân Canh Dần. Số cây giả bồ đề trên được trồng trong khu vực vườn cây doanh nhân rộng khoảng 10 ha tại mặt trước của chùa Bái Đính. 1.000 doanh nhân tham gia chương trình đã được khắc tên trên 5 bia đá lớn tại vườn cây doanh nhân.
Nhìn mấy tấm bia vuông vắn khắc tên 1000 doanh nhân tôi thấy hình như đã gặp ở đâu rồi. Thì ra nó giống với Vietnam Veteran Memorial ở Washington DC ghê !
Được biết các nhà xây dựng chùa tân Bái Đính khi cho tạc tượng La Hán đã dùng tập sách “ Ngũ Bách La Hán” bằng tiếng Tàu do nhà xuất bản Yên sơn, Bắc kinh phát hành năm 1991 để làm mẫu tạc tượng. Vì làm ra cho được nhiều tượng và đua theo tiến độ và theo mẫu mã của Tàu nên tôi nhìn tượng La Hán đặt trong chùa Việt mà có cảm giác như thấy mấy anh Ba trong Chợ Lớn chứ không thấy được thần sắc hồn cốt cao cả của một bậc chân tu đắc đạo và rõ nét nhất là không có chút chi Hồn Việt cả !
Những tấm giấy “ xác nhận kỷ lục” đóng khung to đùng, treo khắp nơi như muốn khoe khoang “những cái nhất” của chùa Bái Đính tân tự. Chính điều này làm cho những người đến chùa cầu đạo thấy không vui và chẳng có chi đáng hảnh diện. Ngoài đời, người ta ưa vỗ ngực xưng tên. Đó là phường háo danh. Trong chùa, người ta cần đức khiêm tốn. Rõ ràng, những người làm chùa, quản lý chùa và trú trì chùa chẳng có đức khiêm tốn chút nào cả. Phật to đùng mà không thấy TÂM PHẬT đâu cả! Phật dạy phải XẢ chứ đâu dạy CHẤP.
4. Đình: (Lễ hội chùa Bái Đính tân tự làm chùa này ra vẽ một hội đình hơn là lễ của một ngôi chùa)
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Ngoài thời gian trên trong năm, du khách chỉ có thể vãn cảnh chùa mà không được chứng kiến các hoạt động văn hóa của lễ hội.
Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.
Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô. Phần sân khấu hóa thường do Nhà hát Chèo Ninh Bình đảm nhiệm có tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận.
Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.
Đem cả 3 vị : thánh Nguyễn Minh Không, thần Cao Sơn, Mẫu Thượng ngàn, ngồi mâm trên và các vua Đinh tiên hoàng, Quang Trung, Lê thánh Tôn ngồi mâm dưới thành ra một lễ hội đông vui theo tinh thần của một tuồng hát chèo thì chỉ có ở đình mà thôi chứ chùa nào mà lễ lạc kỳ dị như vậy ? (2)
Khi chúng tôi vào chùa, chẳng phải mùa lễ hội nhưng người đi tham quan dưới dạng du lịch cũng khá đông. Bên hông chùa một sân rộng chưa lát, đầy sỏi xen những vũng nước bùn, những hàng quán che tạm nhếch nhác. Nhiều người chạy ra chào mời gửi xe, sắm lễ, mua hàng lưu niệm, đổi tiền lẻ rất rộn ràng. Lại có người đưa card quảng cáo quán đặc sản dê núi và gà vườn. Ngày thường không phải lễ tết mà còn như thế, không biết mỗi kỳ lễ hội thì lộn xộn như thế nào!
Vào điện Quan Âm, điện Tam thế Phật, điện Phật chính tôi chẳng thấy bóng dáng một nhà sư nào cả. Mỗi nơi đều có người đang dâng lễ và khấn vái. Những người vừa khấn vái vừa xuýt xoa ra vẻ thành khẩn lắm. Họ khấn rất to. Tôi đứng sau nghe rõ những lời khấn. Không biết họ có phải là những người khấn thuê hay không mà giọng trầm bổng du dương có vần có điệu mỗi câu bốn chữ nghe xuôi tai và hay lắm. Toàn những lời khấn mua may bán đắt, tài lộc thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, lên danh lên chức, hạnh phúc bất tận. Nếu ông Phật nghe được những điều đó, chắc ông phải nhíu mày và bảo rằng về nhà lo tu thân, sửa lỗi lầm, làm điều thánh thiện đi thì cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn chứ ông Phật có ban phát cho ai cái gì đâu ?! Bần đạo mà.
Nhìn trên kẻ tay và kẻ chân của mấy tượng La Hán tôi thấy có nhiều tờ bạc 500, 1000 đồng nhét vào kẻ tay kẻ chân. Chắc là mấy người này muốn hối lộ ông La Hán để có thể tiếp cận với ông Phật để xin xỏ điều gì đó ( hẳn là xin danh xin lợi. Hình ảnh này giống hình ảnh 2 ông A nan, Ca Diếp là những đại đệ tử của Đức Phật Thích ca vòi vỉnh cái bình bát của Đường Tăng trong truyện Tây Du Ký của Ngô thừa Ân quá. Trong mấy cái ô nhỏ trên tường có các tượng Phật nhỏ đặt trong đó, bên ngoài có kính, vậy mà người ta cũng tìm được kẻ hở để nhét được những tờ 1000 đồng để hối lộ ông Phật. Không biết người ta nghĩ sao chứ đem có 1000 đồng để mua danh mua lợi thì khôn quá.
Trong lầu bát giác, trên treo chuông bự, dưới đặt trống đồng to tổ chảng. Trên mặt trống đồng, những đồng tiền vo lại cho dễ ném được người ta ném đầy trên mặt trống. Cúng kiếng kiểu gì mà tạp nham bôi bác như thế không biết ?
Đầu óc xin cho, cầu cạnh, hối lộ, tham nhũng trong xã hội Việt nam tái hiện trong việc lễ bái tại các chùa một cách sinh động quá thể. Chức, quyền, thế, tiền thường đi với nhau. Thế nên ở Hà nội mới có chuyện muốn qua kỳ thi tuyển vào công chức phải chi đến 100 triệu đồng! Thôi đã vào chùa kỷ lục thì xin tất cả mọi thứ một lần cho tiện. Phật to quá ( kỷ lục châu Á mà ) lại được “ hô thần nhập tượng “ rồi thì chắc là linh. Mà đã linh thì hiển, có cầu thì Phật mới biết ( con khóc mẹ mới biết mà cho bú), đã biết rồi thì Phật từ bi chắc cũng rũ lòng thương mà cho thôi. Cứ thế mà vái lạy tứ phương !
Lại nói đến lễ “hô thần nhập tượng”. Đầu óc của những nhà tổ chức thật là siêu việt. Một lễ lạc siêu nhiên và siêu phàm như vậy ( do lối dùng chữ quá siêu) được nhiều người mê tín tin là mấy ông thầy chùa sau khi cúng kiếng và khoa chân múa tay bắt ấn, rảy rảy vài cái là có thể đưa được “ thần” vào trong tượng và có lễ như thế thì tượng mới linh. Thật là suy nghĩ mê tín, nhảm nhí và hồ đồ. Nói như vậy là vô hình trung công nhận mấy ông thầy tu đó là những người đã tu hành chứng đắc, đã giác ngộ và có thần lực nên kêu được hồn ông Phật về nhập vô tượng ?!
Vì sao các chùa không dùng một từ khiêm tốn hơn và tránh những suy diễn mê tín dị đoan, mà lại thể hiện được tinh thần Phật giáo. Lễ đó gọi là “ Lễ an vị Phật” chứ đừng gọi là lễ “hô thần nhập tượng” nghe thần bí quá.
5. Định ( quyết định, ý định,định kiến xã hội)
a.Quyết định: Tỉnh Ninh Bình giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư các hạng mục về giải phóng mặt bằng, đường giao thông, cơ sở hạ tầng, cây xanh, còn doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư các hạng mục làm chùa, tạc tượng, đúc chuông. Ngày 10/4/2008, UBND tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 091110000011, cho DNXD Xuân Trường và trong Điều 5 của Giấy chứng nhận này nêu: Thời hạn hoạt động dự án là 70 năm. Quần thể chùa Bái Đính mới này nằm trong tổng thể dự án xây dựng trung tâm du lịch văn hóa Tràng An rộng gần 2.000 ha do công ty TNHH Xuân Trường làm chủ đầu tư. Thời hạn đầu tư và chủ dự án chùa Bái Đính cùa công ty Xuân Trường là 70 năm.
Người dân địa phương gọi chùa Bái Đính Mới là Chùa Ông Trường vì người tanghĩ đơn giản là tiền từ đâu không rõ nhưng Ông Trường đã bỏ tiền ấy ra xây chùa dưới danh nghĩa một doanh nhân làm chủ đầu tư công trình, có nghĩa là ông đang làm kinh doanh và thu lợi từ đó. Người dân hầu như chẳng biết sư nào làm trụ trì chùa này. Thực tế là chùa Tân Bái Đính có thầy chùa. Ngày20/1/2012 Theo đề nghị của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về giữ ngôi trụ trì chùa Bái Đính kế tục hòa thượng Thích Thanh Tứ đã viên tịch.
b.Ý định: Nhìn lại quá trình xây dựng chùa Bái Đính mới, người ta có thể thấy ý định hay ý đồ của nhà đầu tư là xây một ngôi chùa có nhiều kỷ lục. Đúc tượng dựng trước rồi mới xây điện thờ sau. Tạc tượng La Hán trước rồi làm hành lang đặt tượng sau. Họ dùng những kỷ lục này để nhiếp phục thiên hạ và quảng bá ngôi chùa. Càng quảng bá thì càng nhiều người hiếu kỳ tới tham quan và dâng cúng. Thời hạn đầu tư là 70 năm nên nhà đầu tư sớm hoàn vốn và kiếm lời. Kinh doanh thần thánh quả là siêu lợi nhuận.
Khi chúng tôi lễ Phật ở các điện thờ xong, bà xã tôi khi nào cũng mở ví ra cúng tiền vô “thùng công đức” ở ngoài Bắc gọi là “hòm”của chùa. Mỗi nơi, bà bỏ vào thùng một trăm ngàn đồng. Đó là thói quen tốt của người Phật tử thuần thành. Chùa phải có tịnh tài của thí chủ để tu bổ, xây dựng chùa và có quỹ cho sinh hoạt thường nhật hay cúng kiếng khi có lễ vía. Đặc biệt ở chùa Bái Đính thùng công đức to đùng và nhiều cái để nhiều nơi ( mà sao sách kỷ lục không ghi nhận chùa có nhiều hòm công đức và hòm to nhất nhỉ?!)
Tôi nói” Em biết là người ta bỏ ra mấy trăm triệu đô la xây chùa này không ? Em cúng như cúng tiền lẻ” ?!”. Bà xã tôi nguýt một cái dài cả thước rồi nói : “Tiền nhiều dễ sợ ghê hè ? Mô mà nhiều rứa.”
Khi ra trước sân, chúng tôi thấy mấy cây giả bồ đề mới trồng. Tôi đã học Thực vật học, bộ môn phân loại thực vật và đã đọc bài viết của Ông Đỗ xuân Cẩm viết về phân loại và phân biệt 2 giống “ Bồ đề Ấn độ” với cây “Lâm vồ” hay là ”giả Bồ đề” nên biết đó là những cây “giả bồ đề”.
Dưới mỗi cây giả bồ đề có một khối đá xanh Ninh bình đục thủng lổ hê lổ hủng. Nghệ nhân tạo dáng đá rất đẹp. Phía trên khối đá, có một chỗ mài phẳng hình chiếc lá nho nhỏ được đánh bóng lên nước đen nhánh. Trên nền đen đó, người ta khắc tên và chức vụ các lãnh đạo Đảng và nhà nước “ Đồng chí X….”, Đồng chí Y…”. Nhìn hình lá khắc chạm, tôi thì bảo là lá bồ đề mà bà xã tôi không chịu cứ bảo đó là lá đa. Thế mới tức chứ ! Ý vợ là ý Trời mà. Thôi thì lá đa cũng được. Từ xa nhìn lại thì chỉ thấy hình một trái tim màu đen !
Nhìn 5 cái bia đá doanh nhân rồi nhìn những khối đá ghi tên những người trồng cây lưu niệm tôi thấy người ta nghĩ nông cạn quá ! Những người trồng cây không biết rằng, trồng cây bồ đề là Đem Ánh Sáng Giác Ngộ của Đức Phật ẩn tàng trong cành chiết ra từ cây ở Bồ Đề Đạo Tràng có ý nghĩa là để hoằng hóa độ sanh. Việc trồng cây mang dấu ấn tâm linh rất lớn chứ không phải cứ trồng cây giả bồ đề trên đất chùa rồi bảo là lưu niệm.
Trăm năm bia đá cũng mòn,
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ .
6. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng:
Người viếng chùa tân Bái Đính nhìn vẻ hoành tráng của tượng chuông trống đồng, tượng La Hán, vẻ nguy nga của tầng tầng chùa chiền hẳn là tâm phục khẩu phục sao mà người ta lắm tiền nhiều bạc đầu tư xây chùa to lớn như thế. Nhưng những người hiểu đạo và có lòng với dân tộc thì không mặn mà với chùa tân Bái Đính và xem đó là đồ rởm, là thứ để “khoe mẽ”.
Sau đây là một số ý kiến tôi cho là có tâm và nhìn sự vật không bị méo mó.
a. Ý kiến ông Trần lâm Biền.
…...Chính vì không hiểu đến nơi đến chốn nên nay người ta nhập vào chùa nhiều thứ không phải là điều Phật dạy, mà rõ ràng những thứ đó nhiều khi gắn với mê tín dị đoan. Nên người ta đang sống có phần nào vội vã, tuỳ tiện xây dựng lại nhiều ngôi chùa không theo truyền thống. Đạo Phật dạy con người đi tìm sự đơn sơ nhưng thuộc về bản chất tốt đẹp nhất.
…. Tôi thấy hiện chùa Bái Đính ở phía trong mới gọi là Bái Đính, còn chùa mới xây hoàn toàn không phải là Bái Đính .. Nếu gọi là Bái Đính là hoàn toàn xoá sổ chùa của tổ tiên đấy. Điều thứ hai, trong kiến trúc ba tầng mái, như chúng ta thấy kiến trúc ba tầng mái của chùa Bút Tháp có tháp Cửu phẩm liên hoa – là nơi thế giới của người chết; nhưng chùa Bái Đính mới ấy lại có cái gọi là tam quan – ba tầng mái ở ngoài, khiến người ta đến với cái chết trước khi đến với Phật. Điều đó không chấp nhận được.
…. Thì họ chỉ còn đem cái rác rưởi của trần gian đến với Phật mà thôi. Cái chùa Bái Đính mới ấy là phi Phật và có tính chất không đi theo truyền thống, muốn xoá bỏ chùa của tổ tiên và mặt nào đó nó có tính khoe mẽ.
…..Những ngôi chùa được xây to lớn nhiều khi nó có tính áp chế khiến con người khi bước vào thì tâm hồn của mình bị lôi cuốn bởi sự hoành tráng, trọng hình thức mà nhẹ cái tâm đi…. Người ta không thấy được hoà vào thiên nhiên, hoà vào vũ trụ, hoà với thế gian mà chỉ còn tính quy phục mà thôi (3).
b. Một ý kiến khác của một Kiến trúc sư:
…….. Nay mai còn gắn thêm nhiều kỷ lục nữa như: “Tam quan chùa có cặp sư tử Tàu lớn nhất, diện tích khuôn viên ngôi chùa lớn nhất, khoảng cách các điện thờ cách nhau xa nhất, hành lang chùa dài nhất, chùa nhiều gian nhất, chùa nhiều cột nhất, chùa xây nhiều gỗ nhất, chùa có cột bê tông cao nhất, chùa có đường bê tông dài nhất, v v và v v…”
Có lẽ nhà xây dựng cho rằng Đức Thánh Nguyễn Minh Không (1066-1141) là người khổng lồ (như huyền thoại) nên đã làm ngôi chùa lớn để tương xứng với con người của ngài. Quả là ngôi chùa vượt xa mọi ngôi chùa ông cha ta đã dựng lên qua các thời đại. Con hơn cha là nhà có phúc chứ sao?
….Lần này đến với chùa Bái Đính lòng tôi vẫn thế, vẫn như lần đầu trông thấy ngôi chùa này, tôi không thích, bởi nó không đi vào lòng người.
… Có lẽ vì từ lâu tôi đã quen với những nếp chùa quê bé nhỏ có không gian vừa vặn với tỷ lệ con người, nên mỗi lần đến với ngôi chùa của người xưa để lại tôi thấy không gian từ trong ra ngoài, từ cái cây ngọn cỏ, từ ngọn nến đến chân nhang sao mà linh thiêng, ấm cúng, gần gũi với lòng tôi đến thế.
Tôi nhận ra rằng để đạt được điều này là do mọi vật thờ tỷ lệ hòa hợp với con người. Tấm lòng thành kính khi nén nhang thắp lên có một chút ánh sáng le lói, một chút hơi ấm, một chút hương thơm như được giao lưu với tượng Phật, với đồ thờ theo tỷ lệ gần gũi, hòa hợp với con người. Tôi khâm phục ông cha ta xưa đã khéo tạo dựng ngôi chùa Bái Đính cổ cách đó không xa, hay nếp chùa Tây Phương ấm cúng và gần gũi. Cấu trúc ngôi chùa từ bộ khung gỗ đến chi tiết điêu khắc trên bộ vì đều đi vào lòng người. Mỗi pho tượng như có hồn, có thần sắc sâu lắng, từ làn da, thớ vải như đầy sức truyền cảm, có hơi thở tỏa ra sự sống của con người Việt Nam.
Ngược lại, ở chùa Bái Đính mới, tất cả tỷ lệ đều quá khổ mang tính lấn át ngôi chùa Bái Đính cổ ở phía sau. Từ việc đặt tên đến quy hoạch, quy cách xây dựng đều không coi vốn cổ, cái có trước ra gì. Quả là người đời nay xây dựng không biết tôn trọng quá khứ, tôn trọng người xưa.
… Kiến trúc chùa Bái Đính mới đã tạo nên sự choáng ngợp, xa lạ với tình cảm con người. Đến đây tôi thấy chuyếnh choáng, con người bỗng dưng bị nhỏ nhoi, đi lại diệu vợi, mệt mỏi, khó tĩnh tâm để về với cõi tâm linh.
Ngay khi bước vào tam quan đã thấy sự trớ trêu: Một cặp sư tử to lớn như hù dọa các con nhang đệ tử khi đến với chùa, tôi chưa thấy ngôi chùa cổ Việt Nam nào có cặp sư tử đặt trước tam quan như ở chùa Bái Đính mới.
Ông cha ta từ xưa đến nay kiêng không làm tam quan ba tầng, chỉ làm tam quan chùa cao một hai tầng mái, ở chùa này làm chẳng giống đâu, cao đến ba tầng! Hình thức chẳng khác mấy tòa Hiển Lâm Các trong Đại Nội (Huế), một sự vay mượn khập khiễng giữa kiến trúc cung điện và kiến trúc chùa chiền.
Thực chất, với kiến trúc quá khổ, mất tỷ lệ như chùa Bái Đính mới thì chỉ đáp ứng yêu cầu về du lịch, tham quan có tính chất khám phá. Còn Phật tử về với cõi Phật, cõi tâm linh nên để đến với Bái Đính cổ, có đường dành riêng, chứ không phải ở phía sau chùa Bái Đính mới như hiện nay.
Tượng La Hán có đến 500 pho, tôi không đi xem hết được, chỉ lướt qua vài ba chục pho đã thấy nhiều pho đúc bằng đá khuyết tật, chất lượng không đạt yêu cầu thẩm mỹ, thậm chí phản cảm. Nhiều pho na ná cùng một khuôn mặt, không lột tả được tinh thần, tình cảm và tính cách của từng vị. Do chưa chú ý đến bảo vệ nên để con người bôi bẩn lên nhiều pho tượng, gây nên phản cảm. (4)
c. Ý kiến về tượng La Hán:
Sau khi thăm ba toà điện: Điện Phật Bà Quan Âm, điện Thích Ca Mâu Ni, điện Tam thế và tượng đài Di Lặc trên đỉnh núi Đính, chúng tôi quay lên quay xuống hai bên hành lang để chiêm ngắm 500 pho tượng La Hán bằng đá xanh còn nhám trắng phấn đá, bởi chưa kịp bắt nước thời gian để trở nên bóng xanh như đá núi Thiện Dưỡng, Ninh Vân; trừ những chỗ du khách xoa tay để cầu phúc, để lấy phước ra. Trên đường về cứ thấy lòng rộn rạo với những băn khoăn. Nếu được so sánh thì chúng tôi thích những bức tượng La Hán chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, Hà Nội hơn. Tượng La Hán chùa Tây Phương có từ cách đây 3- 4 trăm năm, nhưng cha ông chúng ta đã rất có ý thức về truyền thống văn hoá dân tộc. Các cụ đã biết cách thổi hồn văn hoá Việt vào từng dáng tượng, nhân vật tượng: “Có vị mắt giương, mày nhíu xệch/ Trán như nổi sóng biển luân hồi/ Môi cong chua chát, tâm hồn héo/ Gân vặn bàn tay mạch máu sôi…” (thơ Huy Cận).
A La Hán là những người tu hành đạt chính quả (đắc đạo) thành Phật được lên Niết bàn nhưng họ đã không lên, mà ở lại trần gian để tiếp tục truyền bá đạo Phật phổ độ chúng sinh thoát khỏi kiếp nạn của đời người. Các ngôi chùa lớn trong Nam, ngoài Bắc như chùa Thầy, chùa Mía, chùa Tây Phương, Hà Nội… đều có điện La Hán đường xây ở hậu chùa. Mỗi chùa tạc các vị tôn gia này theo một phong thái riêng do ý tưởng sáng tạo của mỗi nhà điêu khắc khác nhau.
Có cảm giác tượng La Hán chùa Bái Đính, cả cũ (vườn tượng bên chùa cũ) và mới được tạc theo một mẫu có sẵn của nước ngoài, vừa thô cứng, vừa ngoại lai một cách cố ý đến phi nghệ thuật, phi niềm tự hào văn hoá Việt! Chúng tôi từng có dịp qua Lào, qua Thái Lan, nhận thấy tượng Phật của Lào rất văn hoá Lào; tượng Phật của người Thái dáng vẻ rất văn hoá Thái. Ngay Nhật Bản, vườn tượng La Hán của họ xem thấy toát lên những sinh hoạt đời sống tinh thần, nội tâm rất rõ, mang tính Nhật Bản khá cao. Còn tượng La Hán chùa Bái Đính do người Việt Nam “sáng tạo” mà không mang hồn Việt, đời sống, tinh thần Việt thì… cũng xin “bái vọng” các nhà tạc tượng và cả những người xây dựng chùa!
Người Việt tạc tượng cho người Việt, cho văn hoá Việt, để lưu giữ cho các đời sau thờ phụng, cúng lễ thì hồn cốt, thần thái phải mang tinh thần Việt. Các sinh hoạt đời sống, nội tâm con người Việt bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước không đáng được “đặc tả” vào các vị La Hán ở đây sao? Một đất nước có lịch sử hàng nghìn năm theo đạo Phật, hàng vạn nhà sư hy sinh cuộc đời nơi cửa Phật, cho các cuộc đấu tranh với phong kiến, thực dân họ đáng được tôn La Hán lắm chứ……
…….. Chao ôi! Cứ mãi tình trạng này thì đến bao giờ nghệ thuật Việt, tâm hồn Việt mới lớn lên được để mà hội nhập với văn hoá năm châu bốn biển? Làm nghệ thuật cho muôn đời với cái tư duy ăn đong, vay mượn vậy không sợ con cháu mai sau nghĩ sai lệch đi hay sao? Cho đến giờ còn chưa muốn thoát khỏi cái vòng Kim Cô lệ thuộc văn hoá ngoại ? (5)
d. Một du khách:
….. Cô hướng dẫn viên dặn chúng tôi: Khi vào cầu khấn chi thì trước khi kêu tên cha mẹ vợ con và tên mình thì phải xướng tên ông Trường trước. Tôi hỏi ông Trường nào, là bố đẻ ra Phật à và tại sao phải xướng tên ổng trước? Cô bé hướng dẫn có đeo bảng tên nơi cổ (và hô tiền thù lao 150.000 đồng) thản nhiên trả lời như được cài âm sẵn: đó là ông Trường, giám đốc công ty đã bỏ ra hơn 4.000 tỷ đồng xây chùa này.
Leo tới khu vực sân thượng thì đụng một khu… núi đá. Đó là những tảng đá đục khắc la liệt tên các vị nguyên thủ và hàng trung ương ủy viên từng quá bước vãn chùa xong… trồng cây lưu niệm.
Đã có quá nhiều điều tiếng về cấu trúc cũng như những kỷ lục của ngôi chùa Bái Đính tân tự này. Có thể, với nhiều người, Bái Đính tân tự cùng vô vàn những kỷ lục quái gở, lố bịch kia là… chốn thiêng của Phật. Nhưng với tôi, đó là nơi người ta đang kinh doanh Phật, đang bán Phật và nhạo báng Phật. Tôi không nhìn thấy Phật, không nhìn ra Phật, cho dù trong chùa nghe nói đã có xá lợi phật, xá lợi được rước từ Ấn Độ lên chuyên cơ về đây với những nghi thức đậm chất khoe mẽ. Tôi thích và cảm ở một thứ Phật tĩnh tại, khiêm nhường giản đơn như cây cỏ.
Trước khi rời Bái Đính tân tự, ngồi tán chuyện với mấy bà hàng nước trước bãi đỗ xe. Lạ thật, mấy bà cứ luôn miệng “cam đoan” với chúng tôi rằng không phải ông Trường bỏ tiền ra xây chùa đâu, mà đó là tiền nhà nước đấy. …….(6)
e. Một Phật tử:
…..Chúng ta đang say mê với các kỷ lục Phật giáo, lo trùng tu xây mới chùa to Phật lớn, chúng ta mới chỉ đang chú trọng tô vẽ cái phần xác mà quên đi bồi đắp cái hồn, cái gốc của đạo là truyền bá chính pháp và hướng dẫn mọi người hành trì theo lời Phật.
……Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, ngôi chùa là nơi truyền bá chính pháp. Nhưng nhiều chùa hiện nay chỉ chú trọng vào việc cúng lễ hơn là giảng đạo và tổ chức khóa tu. Nào là hộ niệm, cầu siêu, cúng tuần, dâng sao giải hạn, giải oan…..
……Có người cho rằng sắm lễ càng to theo kiểu “ tốt lễ dễ kêu, cầu gì được nấy”. Đi chùa như vậy lợi ích được nhiều chăng?
Chính vì đi chùa để cầu xin mà không cần học đạo cho nên họ không hiểu đạo, vì không hiểu đạo mới có những hình ảnh phản cảm diễn ra ở chùa như: rải tiền lẻ, cài tiền vào tượng, vào bất cứ chỗ nào trên bàn thờ, mài tiền vào tượng vào chuông, ăn uống, xả rác bừa bãi, đốt vàng mã, chen nhau lễ bái. Những chuyện như thế hết năm này đến năm khác vẫn tái diễn mà không biết tái diễn đến bao giờ?
Chừng nào người ta đi chùa không cần mang cái gì để mặc cả với Phật thánh, mà chỉ cần đốt một nén tâm hương, lòng mình hướng Phật, học lời Phật dậy, soi lại trong từng suy nghĩ, lời nói việc làm có điều gì còn sai trái để mà sám hối, để mà phát nguyện từ nay sống tốt, siêng làm các việc lành tránh làm các việc ác để đem lại lợi lạc cho bản thân và cho cộng đồng cho xã hội. Việc đi chùa như thế mới thực sự có ích và kết quả.
Chừng nào chúng ta có thật nhiều ngôi chùa như chùa như chùa Bằng, chùa Sùng Phúc, chùa Diên Quang, chùa Hoa Nghiêm, chùa Từ Tân, chùa Hoằng Pháp.. ở nơi đó chùa là chùa kiểu mẫu, thầy là thầy kiểu mẫu, Phật tử là kiểu mẫu, tu học cũng là tu học kiểu mẫu thì đạo Phật Việt nam lúc đó mới thật sự hưng thịnh và sinh hoạt Phật pháp mới là thực chất, cây Phật giáo mới thật sự sâu gốc bền rễ trên mảnh đất VN này.
Mong lắm ! (7)
Kết: Chúng tôi đến Ninh bình đi thăm thú nhiều nơi. Cảnh đẹp tuyệt vời đúng như người ta ca ngợi là Hạ Long trên cạn . Núi đá vôi dựng đứng trùng trùng điệp điệp. Len giữa đó là những con sông nhỏ uốn quanh. Trên cảnh quan hữu tình đó là những di tích và dấu tích của quá khứ. Quá khứ hiện về trên những bước chúng tôi đi qua. Trước khi đến thăm chùa tân Bái Đính, nghe bao nhiêu lời ngợi ca chúng tôi cảm thấy nôn nao chừng nào, thì khi ra về chúng tôi cảm thấy buồn lòng chừng đó.
Ôi ! xây chùa vì lý do đầu tư kinh tế để kiếm tiền trông mới khập khiểng làm sao ?!
Lê Duy Đoàn,
Sài gòn, ngày 16/12/2012.
________________________
Tham khảo và trích dẫn:
Chúng tôi trân trọng cám ơn quý vị có bài viết được trích dẫn trong bài viết này. Chúng tôi không thể liên lạc quý vị để xin phép trước khi trích dẫn, mong quý vị thông cảm .
(1) Phần này trích hầu hết bài viết của tác giả Lê hoài Nam, (Thị trấn Liễu Đề,tuần Đại lễ Phật Đản tháng 5 năm 2008) Trong bài này tôi mạn phép trích bài viết và sửa chữ “tôi” thành chữ” người ta” vì những ý tưởng của ông Nam rất xác đáng nên tôi nghĩ nhiều người cũng nghĩ như ông.
(2) Phần” chùa Bái Đính” và “Lễ hội chùa Bái Đính” được trích phần lớn từ Wikipedia tiếng Việt.
(3) Trích bài phỏng vấn Giáo sư Trần Lâm Biền trong SacViet - KTSVN.com
(4) KTS Đoàn Đức Thành ,Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc – Hội KTSVN ghi lại sau lần thứ tư (ngày 24-11-2010) thăm chùa Bái Đính.
(5) Ý kiến ông Hoàng xuân Hoa trong bài “Tản mạn về 500 bức tượng La Hán chùa Bái Đính”
(6) Trích từ trang của ông Trương duy Nhất.
(7) Trích từ bài viết của ông Nguyễn Hữu Đức trên trang Phật tử Việt nam.
Chú của a2a :
1. Hình ảnh trong bài - trừ hình tác giả - đều được lấy từ internet .
2. 12 kỷ lục của chùa Bái Đính :
1. Chuông đồng lớn nhất, 30 tấn
2. Pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng cao và nặng nhất, 150 tấn
3. Bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn
4. Chùa có Giếng Ngọc lớn nhất, đường kính 35m
5. Ngôi chùa trồng nhiều cây bồ đề nhất. Ngày Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc tại Việt Nam (17.5.2008) trồng 100 cây bồ đề, chiết từ gốc bồ đề Ấn Độ, hiện hàng ngàn cây bồ đề mọc xung quanh chùa.
6. Ngôi chùa có hành lang La hán dài nhất. La hán đường với 500 vị La hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối
7. Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật lớn nhất do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức: cung nghinh 10 viên xá lợi Phật từ chùa Giác Quang (TP.HCM) đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Bái Đính
8. Bộ tượng Bát bộ Kim Cương bằng đồng nặng nhất, mỗi tượng nặng 4 tấn, cao 3,95m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni
9. Tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất: đặt nơi cổng tam quan chùa. Mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m
10. Bộ tượng A Nan - Ca Diếp bằng đồng lớn nhất. Mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích ca Mâu ni
11. Tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất đặt ở điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Tượng nặng 80 tấn, cao 9,57m (tính cả bệ), riêng tượng cao 5,4m
12. Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất, nặng 80 tấn, cao 10m, an vị trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật
http://art2all.net/chantran/chantran_hoa/leduydoan/van/chua_baidinh.html